Triển vọng ảm đạm của kinh tế Italia
Nền kinh tế Italia rơi vào tình cảnh đáng lo ngại khi chứng kiến sự sụt giảm ở nhiều ngành kinh tế quan trọng, dự báo còn kéo dài đến hết năm 2023, trong bối cảnh ngân sách Italia đang rất eo hẹp.
Liên đoàn giới chủ công nghiệp Italia (Confindustria) - Hiệp hội Doanh nghiệp chính của Italia-vừa công bố báo cáo cho thấy, sự sụt giảm đáng lo ngại đang xuất hiện ở các ngành công nghiệp, kinh doanh và dịch vụ của quốc gia bên bờ Địa Trung Hải trong quý III/2023.
Các tác động không thuận lợi dồn dập xảy ra như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất, tín dụng và thanh khoản giảm, chi phí năng lượng tiếp tục tăng cao... đã ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư, khiến nhu cầu từ bên ngoài giảm xuống. Trước đó trong quý II/2023, nền kinh tế Italia bất ngờ sụt giảm 0,3% so với quý trước đó.
Việc nền kinh tế quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục suy yếu trong quý III, tức quý thứ hai liên tiếp, đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đang phải nỗ lực kiểm soát tỷ lệ nợ công, vốn ở mức cao thứ hai trong Khu vực đồng euro (Eurozone).
Để tránh nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế, Chính phủ của Thủ tướng Meloni sẽ phải mở rộng chi tiêu công, nhưng điều này cũng sẽ khiến Italia lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan do vướng các quy định nghiêm ngặt của EU về tỷ trọng thâm hụt ngân sách.
Theo thông báo của Bộ trưởng Tài chính Giancarlo Giorgetti, tình hình ngân sách của Italia rất eo hẹp và chính phủ sẽ buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn trong việc giữ bội chi ngân sách khoảng 15,7 tỷ euro trong tài khóa tới. Chính phủ Italia muốn dùng tiền ngân sách để bù đắp cho việc cắt giảm thuế, hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn, thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh và gia hạn các hợp đồng trong khu vực công.
Để có thêm ngân sách hoạt động, Italia dự tính sẽ phải thoái vốn với tổng giá trị khoảng 21 tỷ euro, tương đương 1% GDP, thông qua việc bán tài sản trong giai đoạn 2024-2026. Việc thoái vốn sẽ phải tuân theo những cam kết đã đạt được với Ủy ban châu Âu (EC) và Italia đặt mục tiêu sẽ giảm tỷ lệ nợ trên GDP từ mức 140,2% năm 2023 xuống còn 139,6% vào năm 2026.
Trong bối cảnh các chỉ số kinh tế đều giảm sút, Italia đã phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm 2024. Cụ thể, Chính phủ Italia ước tính tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 0,8%, thấp hơn mức dự báo 1% đưa ra trước đó, đồng thời hạ từ mức 1,5% xuống còn 1,2% đối với dự báo tăng trưởng năm 2024. Chính phủ của Thủ tướng Meloni cũng tăng mức dự báo thâm hụt tài chính của Italia năm nay và năm 2024 lần lượt ở mức 5,3% và 4,3%, cao hơn các mức 4,5% và 3,7% đưa ra trước đó.
Để đối phó tình trạng ngân sách eo hẹp, đè nặng lên nỗ lực khôi phục kinh tế, Chính phủ Italia đã tuyên bố hoãn một năm thời hạn đáp ứng Quy tắc ngân sách của EU. Quyết định của Rome khiến EU không hài lòng, bởi khối này dự kiến từ tháng 1/2024 tái áp đặt giới hạn thâm hụt ngân sách của các nước thành viên ở mức dưới 3% GDP.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Giorgetti khẳng định, đây là quyết định bất đắc dĩ để tránh nguy cơ Italia rơi vào suy thoái kinh tế. Bộ trưởng Giorgetti cho rằng việc ECB tăng lãi suất và cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Italia chậm lại. Ông nhấn mạnh, quyết định chấp nhận mức thâm hụt nợ công cao hơn sẽ cho phép Chính phủ Italia rủng rỉnh tiền để thực hiện những biện pháp hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp và đặc biệt là cắt giảm thuế thu nhập, khuyến khích tăng tỷ lệ sinh và các nguồn lực quan trọng dành cho hành chính công.
Kế hoạch ngân sách mới của Italia nhấn mạnh thách thức mà chính phủ đất nước hình chiếc ủng phải đối mặt trong việc cân bằng các cam kết cắt giảm thuế và tăng trưởng kinh tế vốn đang suy yếu. Tuy nhiên, Italia không cảm thấy “cô đơn” khi không phải là quốc gia duy nhất gặp khó trong việc đáp ứng các quy định tài chính của EU. Theo dự báo của Bloomberg, hai nước Pháp và Tây Ban Nha cũng sẽ thâm hụt lần lượt 4,7% và 4,1% GDP trong năm 2023.