Triển vọng mô hình nuôi chồn hương ở xã nông thôn mới
Mô hình nuôi chồn hương của gia đình anh Nguyễn Tấn Khởi được giới thiệu tại lễ đón nhận xã nông thôn mới An Hiệp. Ảnh: NGỌC HÂN
Trong quá trình phát triển kinh tế, bên cạnh các loại cây trồng, vật nuôi quen thuộc, nhiều nông dân đã chủ động nghiên cứu, học hỏi và phát triển những mô hình vật nuôi mới để cải thiện thu nhập. Một trong những mô hình đang được nhiều nông dân tại các địa phương trong tỉnh triển khai và cho thu nhập khá là mô hình nuôi chồn hương.
Tại xã An Hiệp, huyện Tuy An, từ vài hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mô hình này ngày càng được nhân rộng, mở ra nhiều triển vọng về kinh tế cho người dân ở xã nông thôn mới này.
Nuôi dễ, thu nhập cao
Đi đầu trong phong trào nuôi chồn hương ở xã An Hiệp là gia đình anh Nguyễn Tấn Khởi ở thôn Phong Phú. Cách đây 5 năm, nhận thấy thu nhập từ việc làm công ăn lương không đủ trang trải cuộc sống, vợ chồng anh Khởi quyết định chăn nuôi thêm. Từ những chuyến lái xe chở khách đi du lịch miền Tây, anh Khởi có dịp được tham quan mô hình nuôi chồn hương. Nhận thấy đây là con vật dễ nuôi và có đầu ra ổn định, anh bàn với vợ mua về nuôi thử.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (vợ anh Khởi), thời gian đầu, gia đình gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu tập quán sống của loài chồn dẫn đến chồn hương không sinh sản, chậm lớn, vào mùa mưa hoặc cho ăn thức ăn lạ hay bị tiêu chảy. Sau khi tự mày mò tích lũy kiến thức từ sách vở, internet... rồi rà soát lại quy trình, chị thay đổi cách nuôi, điều chỉnh ô chuồng cho phù hợp với lối sống và khả năng sinh sản của chồn hương. Mỗi ô chuồng chỉ dành cho một con ngủ, có không gian vận động. Chị dọn vệ sinh hàng ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch, khô, thoáng, tránh ẩm thấp. Thức ăn của chồn cũng được chú trọng để đảm bảo dinh dưỡng. Để chồn hương sinh trưởng tốt, thức ăn chủ yếu cho loại vật nuôi này là chuối chín, các loại cá tạp, cua, rạm, phổi heo, bò; đối với chồn con cho ăn mỗi ngày hai lần (sáng, tối), còn chồn lớn cho ăn một lần vào chiều tối. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, chị còn bổ sung men tiêu hóa để phòng bệnh về đường tiêu hóa cho chồn hương.
Khi nắm được kỹ thuật và có kinh nghiệm, sau 1 năm nuôi, gia đình anh Khởi mạnh dạn mở rộng quy mô, xây chuồng trại kiên cố và bắt đầu nuôi có lãi. Hiện trang trại nuôi chồn hương của họ có diện tích 100m2, duy trì nuôi thường xuyên gần 100 con, trong đó có hơn 30 con chồn bố mẹ. Chồn hương của gia đình này được nhiều người ở địa phương và các huyện lân cận đến mua giống nên không đủ cung cấp.
Nói về việc nuôi chồn sinh sản, chị Tâm cho biết: “Đây là con vật rất dễ nuôi, chỉ cần người nuôi biết cách làm chuồng, chăm sóc và phối giống thì sẽ thành công. Chồn hương sau 10-15 tháng nuôi bắt đầu sinh sản nhưng để chồn đẻ tốt nhất là khoảng 12 tháng tuổi. Trong thời gian này, người nuôi nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi để hạn chế chồn mẹ sau khi sinh thiếu hụt chất sẽ ăn con non. Chồn mẹ mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con. Sau 60 ngày tuổi, chồn con được tách đàn và nuôi dưỡng bằng thức ăn đến khi cứng cáp thì xuất bán. Hiện với giá 8 triệu đồng/cặp chồn hương giống, 1,5-2 triệu đồng/kg chồn thịt, sau khi trừ chi phí, ước tính mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng”.
Nhân rộng mô hình
Nhận thấy mô hình chăn nuôi hiệu quả, gia đình anh Phan Minh Lượm ở thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp cũng học hỏi làm theo. Anh Lượm mua 2 chồn cái và 1 chồn đực từ trang trại của anh Khởi về nuôi thử nghiệm. Do được hướng dẫn tỉ mỉ cách nuôi và chăm sóc nên mọi việc thuận lợi hơn. Anh Lượm cho hay, trước đây, vợ chồng anh lao động tự do, công việc lúc có lúc không. Sau gần 2 năm đầu tư mô hình này, gia đình anh có được nguồn thu nhập ổn định. Hiện đàn chồn của gia đình luôn duy trì ở mức trên dưới 30 con, với 10 con sinh sản.
“Chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi, hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại để chồn không bị bệnh; thay nước uống thường xuyên. Bên cạnh đó, chồn nuôi vẫn giữ bản tính hoang dã rất dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau đến chết, nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ (cao 1m, rộng 1m) để nuôi mỗi con một ô. So với các vật nuôi khác, chồn là loài dễ nuôi, lợi nhuận cao. Hướng sắp tới, tôi sẽ mở rộng để vừa nuôi chồn sinh sản, vừa nuôi chồn thương phẩm để bán”, anh Lượm chia sẻ.
Theo ông Lê Hồng Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hiệp, từ 1-2 hộ chăn nuôi, đến nay, trên địa bàn xã An Hiệp đã có hơn 20 hộ dân phát triển mô hình nuôi chồn hương này. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả cao, từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, xã An Hiệp đã hỗ trợ nguồn vốn cho một số hộ dân đầu tư phát triển, góp phần cải thiện thu nhập. “Mô hình nuôi chồn hương ở địa phương hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao nên Hội Nông dân xã An Hiệp đã đứng ra thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi chồn hương với 6 hội viên nông dân tham gia. Sắp tới, hội có kế hoạch cho các hội viên tham quan, học hỏi để nhân rộng mô hình này”, ông Tâm cho hay.
Chồn hương (còn gọi là cầy vòi hương, chồn mướp) là động vật hoang dã, cơ thể tiết ra mùi thơm như trái mướp hương, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món ăn đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm rất được ưa chuộng trong các nhà hàng, quán ăn. Vì vậy, ngoài hỗ trợ nguồn vốn, sắp tới xã sẽ triển khai các chương trình tập huấn kỹ thuật nuôi chồn, từ đó tạo hướng đi mới phát triển kinh tế ổn định, lâu dài và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.