Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như thế nào?
Hãng Reuters tổng hợp thông tin về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời chỉ ra nước này có thể nhắm vào những mục tiêu nào.
Ngày 20.12, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18 vài ngày trước cho thấy Triều Tiên không ngần ngại tiến hành tấn công hạt nhân nếu kẻ thù khiêu khích bằng vũ khí chiến lược. Đây không phải lần đầu tiên ông ta đưa ra cảnh báo như vậy.
Khi nào Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân?
Triều Tiên khẳng định nước này phản đối chiến tranh, vũ khí hạt nhân họ sở hữu chỉ phục vụ mục đích tự vệ trước chính sách “thù địch” từ Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc.
Tại một cuộc duyệt binh năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim phát biểu lực lượng hạt nhân được giao nhiệm vụ ngăn chặn chiến tranh thông qua răn đe và sẵn sàng tiến hành tấn công chống lại bất cứ ai gây tổn hại “lợi ích cơ bản” của Triều Tiên.
Giới phân tích nhận định loạt tuyên bố trên giống với ngôn từ trong Báo cáo tình hình hạt nhân Mỹ. Washington cũng nói rằng sẽ dùng vũ khí hạt nhân bảo vệ “lợi ích sống còn” của mình cùng đồng minh.
Tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên thông qua luật quy định quyền sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ. Luật nêu rõ trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân, chẳng hạn đáp trả một cuộc tấn công hay ngăn xâm lược; phát hiện địch chuẩn bị dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt tấn công hay các cơ sở chiến lược bị nhắm đến; giới lãnh đạo, nhân dân hay sự tồn vong của đất nước gặp nguy hiểm; hoặc để chiếm ưu thế trong chiến tranh. Nhà lãnh đạo Kim có toàn quyền quyết định với số vũ khí hạt nhân, nhưng nếu hệ thống chỉ huy - kiểm soát bị đe dọa thì loại vũ khí này sẽ được tự động dùng đến.
Sau đó Bình Nhưỡng tiếp tục thông qua sửa đổi hiến pháp nhằm tạo điều kiện thực thi chính sách tăng cường sức mạnh lực lượng hạt nhân. Nhà lãnh đạo Kim cũng cam kết đẩy nhanh sản xuất vũ khí hạt nhân trước “hành động khiêu khích” từ Mỹ.
Tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam cảnh báo việc Mỹ triển khai tàu sân bay, máy bay ném bom hoặc tàu ngầm mang tên lửa đến Hàn Quốc đáp ứng tiêu chí sử dụng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên có thể nhắm vào những mục tiêu nào?
Năm 2017 khi Triều Tiên lần đầu tiên phóng thành công ICBM, Bộ Ngoại giao nước này đe dọa tấn công “trái tim” nước Mỹ nếu Washington dám âm mưu thay đổi bộ máy lãnh đạo cấp cao của Bình Nhưỡng. Năm đó họ còn tuyên bố “nhấn chìm Nhật xuống biển” bằng vũ khí hạt nhân.
Năm 2022, người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Kim là Kim Yo-jong cảnh báo Triều Tiên sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị Hàn Quốc tấn công. Bà Kim vạch rõ kịch bản chi tiết: huy động lực lượng hạt nhân đáp trả khiến kẻ thù mất tinh thần, ngăn chặn tình trạng thù địch kéo dài, bảo toàn sức mạnh quân sự.
Triều Tiên sở hữu vũ khí gì?
Triều Tiên ngừng thử nghiệm hạt nhân từ năm 2017 đến nay, nhưng giới phân tích cho rằng họ vẫn tiếp tục làm giàu uranium lẫn plutonium cho đầu đạn.
Theo một nghiên cứu vào tháng 4 thực hiện bởi Viện Khoa học và an ninh quốc tế, Bình Nhưỡng sở hữu khoảng 31 - 96 đầu đạn. Nhà lãnh đạo Kim vào năm 2021 tuyên bố nước này đã có thể “thu nhỏ, làm nhẹ và chuẩn hóa vũ khí hạt nhân”. Tháng 1 năm nay ông nói rằng sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân, đồng thời sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Bình Nhưỡng cũng đẩy mạnh phát triển hàng loạt tên lửa mới uy lực, trong đó có ICBM dùng nhiên liệu rắn hoặc nhiên lỏng đủ sức bay xa đến Mỹ, tên lửa tầm ngắn mang đầu đạn chiến thuật, tên lửa hành trình mang được đầu đạn hạt nhân đầu tiên.
Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang (Viện Sejong) lưu ý việc Triều Tiên gọi vụ phóng mới đây là “tập trận phóng tên lửa” thay vì “thử nghiệm phóng tên lửa” báo hiệu nước này sẵn sàng sản xuất hàng loạt và triển khai Hwasong-18.
“Năm tới Triều Tiên sẽ tiếp tục phô trương sức mạnh bằng hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) dùng nhiên liệu rắn, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) cũng như phát triển ICBM mang nhiều đầu đạn”, ông Cheong dự báo.