Trình diễn in khắc mộc bản: Tăng tính kết nối di sản

Ngày 2/6 tại Hà Nội, trong không gian phường Bách Nghệ các nghệ nhân làng nghề Thanh Liễu (Hải Dương) đã có buổi trình diễn kỹ thuật khắc và in mộc bản.

Để bảo tồn và lan tỏa nghề truyền thống, các nghệ nhân làng Thanh Liễu đã và đang có nhiều hoạt động nhằm hồi sinh làng nghề.

Để bảo tồn và lan tỏa nghề truyền thống, các nghệ nhân làng Thanh Liễu đã và đang có nhiều hoạt động nhằm hồi sinh làng nghề.

Không chỉ diễn ra các buổi trưng bày, trò chuyện về di sản, các nghệ nhân mộc bản làng Thanh Liễu còn trình diễn thực hành nghề để tăng tính kết nối, lan tỏa giá trị nghề truyền thống.

Ngôi làng tạo ra nhiều di sản

Ngày 2/6 tại Hà Nội, trong không gian phường Bách Nghệ các nghệ nhân làng nghề Thanh Liễu (Hải Dương) đã có buổi trình diễn kỹ thuật khắc và in mộc bản nhằm giới thiệu di sản và hành trình hồi sinh một làng nghề truyền thống nổi tiếng từng đắm chìm trong lịch sử đất nước với các khối mộc bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” không chỉ là đề tài trình diễn, giới thiệu di sản làng nghề, mà còn là một chuyên đề giao lưu, chia sẻ bao gồm các workshop thực hành, thảo luận, kết nối đầu tư với nhiều hoạt động phong phú diễn ra trong suốt tháng 6/2024 tại Hà Nội do phường Bách Nghệ và các nghệ nhân làng Thanh Liễu thực hiện.

Anh Ngô Quý Đức - nhà sáng lập dự án “Về làng” cho hay, phường Bách Nghệ không chỉ là một không gian để thúc đẩy phát triển tinh hoa làng nghề thủ công truyền thống, mà còn tạo một hành trình khám phá, sáng tạo và truyền cảm hứng.

Đây là nơi mọi người có thể tìm thấy sự kết nối với văn hóa Việt Nam qua từng sản phẩm thủ công, và cùng nhau tiếp tục viết nên những chương mới cho câu chuyện của các làng nghề. Những điều này không chỉ duy trì và thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề, mà còn đặc biệt truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ kế thừa, phát huy và ứng dụng làng nghề Việt vào đời sống hiện đại.

“Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” là dự án khởi đầu của phường Bách Nghệ, nhằm đem đến cho công chúng góc nhìn cận cảnh về lịch sử, văn hóa, sản phẩm mộc bản Thanh Liễu thông qua hoạt động trình diễn của nghệ nhân – trực tiếp khắc và in mộc bản.

Tham gia dự án, nghệ nhân trẻ Nguyễn Công Đạt cho biết, nghệ nhân làng Thanh Liễu thuần thục cả kĩ thuật khắc ván, in ván lẫn đóng sách. Làng Thanh Liễu xưa không chỉ buôn bán các thành phẩm kinh, sách, tranh… in từ mộc bản, mà còn bán cả mộc bản đã khắc sẵn. Nhiều ngôi chùa, miếu, từ… mua sẵn mộc bản linh phù của làng Thanh Liễu về rồi tự in.

Nhiều bộ kinh sách đã được khắc in ấn tại đây, trong đó phải kể đến bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” đồ sộ đã được những nghệ nhân làng Hồng Lục (Thanh Liễu) và làng Liễu Tràng vâng lệnh vua khắc đầy đủ lần đầu tiên vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Hiện, mộc bản đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt).

Giữa thế kỷ 18 nghệ nhân làng Hồng Lục (Thanh Liễu) khắc in bộ sách gồm 383 tấm mộc bản về giáo dục tại trường học Phúc Giang, trấn Nghệ An (nay là tỉnh Hà Tĩnh) do nhà khoa bảng Nguyễn Huy Oánh cho san khắc. Đây là khối mộc bản sách học, tứ thư ngũ kinh, nho học của dòng họ Nguyễn Huy.

Đầu thế kỷ 19, các nghệ nhân làng Thanh Liễu đã vào Kinh đô Huế khắc mộc bản cho vương triều nhà Nguyễn. Hiện nay còn lưu giữ gần 35.000 tấm mộc bản do trực tiếp các vua Nguyễn chỉ đạo cho san khắc. Cùng thời gian này, hơn 700 mộc bản tại chùa Trăm Gian (Nam Sách, Hải Dương) cũng được thực hiện.

Đầu thế kỷ 20, những nghệ nhân của làng Thanh Liễu tham gia khắc in bộ tranh dân gian trên 6.000 bức tranh nhan đề “Kỹ thuật của người An Nam” do Henri Oger - một người Pháp tổ chức. Hiện, bộ tranh đầy đủ nhất đang được lưu giữ tại Thư viện Đại học Keio (Nhật Bản).

Ngoài trưng bày, trò chuyện, các nghệ nhân làng Thanh Liễu còn trình diễn thực hành san khắc mộc bản.

Ngoài trưng bày, trò chuyện, các nghệ nhân làng Thanh Liễu còn trình diễn thực hành san khắc mộc bản.

“Hồi sinh” nghề khó

Nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu là một nghề có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, nghề đã xuất hiện tại địa phương đến nay được 581 năm, phục vụ nhu cầu văn hóa, xã hội, tinh thần của nhân dân và góp phần lan tỏa tri thức cho cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, giống với đa số các nghề truyền thống khác, nghề in khắc mộc bản ở Thanh Liễu cũng đối mặt với nguy cơ mai một. Từ lịch sử cả làng làm nghề, nay chỉ còn vài hộ gia đình. Kỹ thuật hiện đại đã lấn át những tinh hoa truyền thống, bởi chỉ cần một chiếc máy tính là có thể hoàn thành những bản in hoàn chỉnh.

Theo nghệ nhân Nguyễn Công Tráng - một người thợ lâu năm ở Thanh Liễu, để làm mộc bản người thợ phải thật tỉ mỉ, từ việc chọn gỗ đến khắc chữ, hòa mực, lăn mực và in trên giấy để được bản in chuẩn đẹp. Nguyên liệu được chọn phải là loại gỗ mềm như: Gỗ thừng mực, gỗ thị hoặc vàng tâm. Phải trải qua nhiều công đoạn chế biến gỗ trước khi sử dụng để khắc chữ.

'Hành trình hồi sinh một làng nghề' diễn ra tại phường Bách Nghệ (Hà Đông, Hà Nội) trong suốt tháng 6/2024.

'Hành trình hồi sinh một làng nghề' diễn ra tại phường Bách Nghệ (Hà Đông, Hà Nội) trong suốt tháng 6/2024.

Thợ in khắc mộc bản phải biết chữ Hán, hiểu luật viết, nhận dạng các chữ in ngược để khi in ra chữ đọc xuôi.

Thợ in khắc mộc bản phải biết chữ Hán, hiểu luật viết, nhận dạng các chữ in ngược để khi in ra chữ đọc xuôi.

Giấy in mộc bản là giấy dó, giấy xuyến lăn bằng mực Tàu. Người thợ dán giấy lên bản khắc đã hoàn chỉnh rồi lăn đều tay. Ở mỗi công đoạn, người thợ phải cẩn thận đặt hết tâm trí và sự khéo léo mới đem về thành quả là bản in rõ nét và có “sức đề kháng” bền bỉ với thời gian.

“Mỗi bản khắc gỗ, một nghệ nhân phải mất trung bình từ 3 đến 5 ngày mới hoàn thiện. Tuy nhiên cũng có những bản khắc gỗ mất khá nhiều thời gian, tới vài tháng tùy vào độ dài ngắn, câu chữ, chủ đề, chi tiết... Có những bản khắc gỗ mà yêu cầu con chữ bé như con kiến, có những chi tiết mảnh đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm và thời gian dài mới có thể hoàn thiện”, nghệ nhân Nguyễn Công Tráng cho hay.

Khó và khổ là vậy, song hiện nay đã có một số người trở lại với nghề in khắc mộc bản, Thanh Liễu cũng là “trường dạy nghề” cho những ai đam mê. Tuy nhiên, muốn làm nghề khắc ván in phải học việc trung bình ba năm mới có thể thành thợ. Người thợ phải biết chữ Hán, hiểu luật viết, nhận dạng các chữ in ngược. Bởi sự khó ấy nên từ xưa, nghề in khắc mộc bản đều nằm trong phạm vi gia đình dòng họ theo hướng cha truyền con nối.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, 3 khối mộc bản triều Nguyễn, mộc bản trường học Phúc Giang đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và khối mộc bản chùa Bổ Đà, chùa Trăm Gian và bộ mộc bản “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” được công nhận là bảo vật quốc gia đều do nghệ nhân làng Thanh Liễu xưa thực hiện.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trinh-dien-in-khac-moc-ban-tang-tinh-ket-noi-di-san-post686063.html