Trình Quốc hội thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Sáng 13-2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Dự thảo nghị quyết gồm 4 chương và 20 điều, bao gồm 2 nội dung liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoạt động chuyển đổi số quốc gia.

Nội dung cơ bản của dự thảo quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn.

Cùng với đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; quy định nguyên tắc về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nội dung khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; quy định nguyên tắc kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua quỹ...

Về ưu đãi thuế cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dự thảo nghị quyết quy định các khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp...

Về chuyển đổi số, dự thảo nghị quyết quy định cơ chế cho phép sử dụng ngân sách trung ương để thực hiện đầu tư, xây dựng nền tảng số quy mô quốc gia, quy mô vùng sử dụng chung cho các cơ quan, tổ chức; cho phép sử dụng nguồn thu từ cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện giai đoạn 2024-2027 để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G.

Dự thảo nghị quyết cũng bổ sung các quy định về các dự án đầu tư các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển có trạm cập bờ tại Việt Nam mà doanh nghiệp viễn thông tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư được áp dụng quy trình thủ tục quy định cho dự án đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật đầu tư; cho phép đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ số chiến lược nhằm phát triển hạ tầng số quan trọng quốc gia, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm chuyển đổi số quốc gia và giao thủ trưởng các cơ quan bộ, ngang bộ được quyền và chịu trách nhiệm quyết định phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Đồng thời, dự thảo quy định hỗ trợ một số dự án công nghệ số có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; xác định rõ đầu mối thực hiện; nguồn vốn và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết cơ chế hỗ trợ; quy định chính sách cho phép thí điểm thử nghiệm có kiểm soát mô hình đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại hình mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh tầm thấp tại Việt Nam; trong đó, không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về vấn đề này ngay tại kỳ họp bất thường thứ 9.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trinh-quoc-hoi-thi-diem-mot-so-chinh-sach-thao-go-vuong-mac-trong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-post781703.html