Trợ cấp thất nghiệp: Cần đủ sống, không chỉ hỗ trợ
Bảo hiểm thất nghiệp là 'phao cứu sinh' của người lao động, tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ mức sống hiện nay.
Mới đây, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo luật quy định mức hưởng hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của sáu tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc nhưng tối đa không quá năm lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng BHTN.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp (DN) chỉ đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) dựa trên mức lương tối thiểu vùng, tức mức thấp nhất theo quy định của pháp luật. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ DN đóng theo lương thực tế.
Trước thực trạng này, một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ và tạo động lực để họ tiếp tục tham gia bảo hiểm. Đề xuất này nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động vẫn còn nhiều biến động.
Tín hiệu tích cực
Chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi, TP.HCM), từng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong ba tháng sau khi mất việc tại một công ty may mặc, chia sẻ: “Lúc đó tôi chỉ nhận được khoảng 4 triệu đồng/tháng, chưa bằng nửa mức lương thực tế khi đi làm trong khi tiền thuê nhà, điện, nước, nuôi con… vẫn phải chi đều, rất chật vật”.
Về đề xuất tăng mức trợ cấp thất nghiệp, chị Lan cho rằng đây là tín hiệu tích cực nhưng vẫn chưa đủ. “Tăng bao nhiêu thì tăng, nếu tiền đóng BHTN vẫn tính theo mức tối thiểu thì trợ cấp cũng chỉ tăng được chút ít. Tôi nghĩ cần sửa cả cách đóng bảo hiểm, bắt buộc DN đóng đúng với lương thực tế thì NLĐ mới thực sự được bảo vệ” - chị Lan nói.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, chủ một DN nhỏ tại TP.HCM, cho rằng việc tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là cần thiết để đảm bảo đời sống của NLĐ. Tuy nhiên, nếu yêu cầu đóng BHTN theo lương thực tế, chi phí nhân sự sẽ tăng cao, gây áp lực lớn cho các DN nhỏ.
Chính sách trợ cấp thất nghiệp cần hài hòa giữa hỗ trợ người lao động, kiểm soát chi phí quỹ và khuyến khích tái tham gia thị trường lao động một cách tích cực.
Ông Dũng đề xuất cùng với việc nâng mức trợ cấp thất nghiệp, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát DN lớn có khả năng đóng đủ, đồng thời có chính sách khuyến khích, ưu đãi cho DN nhỏ khi thực hiện đúng nghĩa vụ. “Chính sách muốn hiệu quả phải xuất phát từ thực tế, không nên áp dụng một công thức chung cho tất cả” - ông Dũng nhấn mạnh.
Chỗ dựa thiết thực của người lao động
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết chính sách BHTN thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ NLĐ vượt qua giai đoạn mất việc làm. Không chỉ cung cấp nguồn tài chính thông qua trợ cấp thất nghiệp, BHTN còn góp phần kết nối việc làm, hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, giúp NLĐ sớm quay lại thị trường lao động.
Theo ông Hà, các quy định hiện hành về BHTN đã phát huy hiệu quả, nhất là trong những thời điểm khó khăn như giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự góp mặt của Quỹ BHTN đã giúp hàng triệu NLĐ giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì cuộc sống trong lúc chờ cơ hội việc làm mới. Nếu không có sự hỗ trợ này, nhiều NLĐ có thể đã rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh minh họa: THUẬN VĂN
Ông Hà đánh giá việc điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là đề xuất đáng cân nhắc nhằm đảm bảo đời sống của NLĐ. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả và tránh hệ lụy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Thứ nhất, cần kiểm soát chặt chẽ việc đóng BHTN đúng với mức lương thực tế, tránh tình trạng DN cố tình khai thấp để giảm chi phí. Việc đóng thấp không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ mà còn tạo ra mặt bằng trợ cấp không phản ánh đúng nhu cầu sống thực tế.
Thứ hai, cần phân biệt rõ đối tượng thực sự thất nghiệp và đối tượng chủ động nghỉ việc để tìm việc tốt hơn. Với nhóm “nhảy việc”, bản chất không phải thất nghiệp thực sự nên cần có cơ chế riêng, tránh lạm dụng trợ cấp như một khoản hỗ trợ không đúng mục đích.
Thứ ba, mức trợ cấp thất nghiệp nếu điều chỉnh tăng cũng cần ở mức hợp lý, đủ để duy trì cuộc sống cơ bản nhưng không gây ra tâm lý ỷ lại hoặc trì hoãn việc quay lại thị trường lao động, làm lãng phí nguồn nhân lực.
“Trong trường hợp chưa thể tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, một phương án khác là Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ phần chênh lệch cho NLĐ có mức trợ cấp thấp hơn mức sống tối thiểu tại địa phương” - ông Hà đề xuất.
Như vậy, chính sách trợ cấp thất nghiệp cần hài hòa giữa hỗ trợ NLĐ, kiểm soát chi phí quỹ và khuyến khích tái tham gia thị trường lao động một cách tích cực.•
Khi nào được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện:
Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
+ NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.
+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của luật này.
Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của luật này.
Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
+ Chết.
Luật sư ĐÀO THỊ BÍCH LIÊN, Đoàn Luật sư TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/tro-cap-that-nghiep-can-du-song-khong-chi-ho-tro-post848724.html