Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý (TGPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là việc làm thường xuyên, được Trung tâm TGPL Nhà nước An Giang quan tâm thực hiện. Qua đó, giúp người dân từng bước nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật; tiếp cận kịp thời các dịch vụ tư vấn, TGPL; đảm bảo quyền lợi chính đáng hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.
Đối với người nghèo, đồng bào DTTS thì việc tiếp cận với hoạt động TGPL của người dân ở cơ sở còn hạn chế; giao thông đi lại không thuận lợi, trình độ nhận thức không đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn... Các thiết chế hỗ trợ, giúp đỡ người dân tiếp cận pháp luật ở cơ sở phát triển chậm, chất lượng không đồng đều; cơ chế phổ biến, thông tin, hỗ trợ giải quyết vướng mắc pháp luật cho người dân tại cơ sở chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Một số nơi người dân chưa thông thạo chữ và tiếng phổ thông, nhận thức của người dân, nhất là nhận thức pháp luật còn hạn chế, tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật còn xảy ra nhiều hoặc còn có tâm lý e ngại khi tiếp cận với trợ giúp pháp lý...
Hoạt động TGPL đã phát huy tác dụng tích cực, được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân ở cơ sở rất đồng tình ủng hộ. Vì qua đó, trung tâm được tiếp xúc và gần gũi với Nhân dân, nắm được những yêu cầu, đề nghị, phản ánh của Nhân dân và thực hiện có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ tư vấn, giải đáp, hướng dẫn pháp luật trong các vụ việc, tình huống cụ thể và cung cấp các thông tin pháp luật theo chuyên đề. Đồng thời, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, giải tỏa những mâu thuẫn, vướng mắc pháp luật trong cộng đồng, góp phần thực hiện và phát huy dân chủ; tuyên truyền, vận động Nhân dân tìm hiểu, học tập và tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh An Giang Phan Văn Hùng cho hay: "Để mỗi buổi truyền thông đạt hiệu quả, bảo đảm đúng đối tượng, địa bàn, nội dung, tiến độ theo kế hoạch, phù hợp từng địa phương. Trung tâm phối hợp phòng tư pháp, UBND xã phối hợp đoàn công tác, bố trí địa điểm, thời gian thực hiện truyền thông về TGPL. Trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động truyền thông về TGPL đến các xã có người DTTS ở vùng sâu, vùng xa, biên giới… Qua đó, giúp người dân tiếp cận pháp luật về TGPL miễn phí. Đồng thời, nâng cao ý thức pháp luật của người dân biết tự bảo vệ bản thân mình trước nguy cơ vi phạm pháp luật, tiết kiệm được chi phí đi lại...".
Với chức năng, nhiệm vụ "cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật TGPL, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật", Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh An Giang tiếp tục chủ động phục vụ Nhân dân và luôn hướng về cơ sở, nơi có người nghèo, đồng bào DTTS sinh sống, cũng là nơi còn nhiều khó khăn, người dân còn hạn chế về kiến thức pháp luật và thiếu các thông tin pháp luật. Trung tâm đã và đang tích cực góp phần bảo đảm quyền công dân trong tiếp cận và bình đẳng trước pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
9 tháng của năm 2024, Trung tâm TGPL Nhà nước An Giang đã thực hiện tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp pháp lý được 8 đợt, với trên 400 lượt người Khmer tham dự và phát gần 500 tờ bướm tuyên truyền pháp luật. Người dân thuộc đối tượng TGPL, khi cần liên hệ theo địa chỉ: Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh An Giang (số 8/18 Lý Thường Kiệt, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Điện thoại đường dây nóng 18001033 để được tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí.