Trợ giúp pháp lý đã đi vào cuộc sống
Số vụ việc được trợ giúp pháp lý năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhiều người đã biết đến công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), như một chính sách nhân văn bảo đảm quyền con người.
Theo thống kê của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, từ năm 2021 đến nay, trung tâm đã thực hiện hơn 200 vụ việc TGPL. Cụ thể, năm 2021 ảnh hưởng dịch Covid-19, trung tâm thực hiện 53 vụ; năm 2022 là 143 vụ và từ đầu năm 2023 đến nay đã thực hiện 14 vụ. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL như: được tăng mức bồi thường thiệt hại, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân, thậm chí được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt...
Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Trường Duy (áo trắng ngồi bên trái) tham gia tố tụng tại một tòa.
Trường hợp em N.T.B.T, (15 tuổi) nhân viên tại một quán karaoke ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, cuối năm 2021 có đơn tố cáo gửi cơ quan công an về việc mình bị nhóm đối tượng bắt cóc, hiếp dâm. Là đối tượng được TGPL miễn phí, lại được Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp đề nghị Trung tâm TGPL vào cuộc xác minh, hỗ trợ. Trung tâm đã phân công trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Trường Duy, chi nhánh TGPL số 3 tư vấn, hỗ trợ cho bị hại T tại tòa. Với sự hỗ trợ của trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), vụ án khép lại sau 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo đều bị tăng khung hình phạt đúng với mức độ tội danh, trong đó bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả cho bị hại từ 200 lên 250 triệu đồng.
Ngoài ra còn nhiều vụ khác như vụ nhóm thanh, thiếu niên bỏ học sớm, chơi bời lêu lổng, thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình, rồi mâu thuẫn, đánh nhau ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Tất cả bị tòa án tuyên phạt về tội: “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cố ý gây thương tích”. Qua sự trợ giúp pháp lý của nhân viên trợ giúp pháp lý nên các em phần lớn được giảm nhẹ trách nhiệm và hình phạt.
Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Trường Duy chia sẻ: Trong quá trình tham gia tố tụng vụ án, việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng rất cần thiết. Đồng thời, đồng hành cùng đối tượng được TGPL để thu thập, xác minh thông tin, chứng cứ... Ngoài ra nghiên cứu kỹ nội dung vụ việc, các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như tìm hiểu, nắm bắt bản chất vụ việc, chúng tôi còn tìm hiểu tâm lý của bị cáo, bị hại, từ đó định hướng khắc phục lỗi, đưa ra quan điểm có sức thuyết phục trên cơ sở của pháp luật để bào chữa, bảo vệ cho người được TGPL trong các phiên tòa.
Hiện nay trung tâm TGPL có 3 TGVPL hoạt động tại trung tâm và 3 chi nhánh TGPL trực thuộc đặt tại các huyện. Với số lượng TGVPL như vậy trong khi địa bàn rộng, nhu cầu lớn; nhiều đối tượng thuộc diện TGPL chưa biết đến hoạt động này để yêu cầu trợ giúp khi có vướng mắc pháp luật, nên công tác TGPL hiện rất khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Kiều Châu – Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: Công tác TGPL đã dần đi vào chiều sâu, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính... và ngày càng được người dân tin tưởng. Bên cạnh đó, trung tâm đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho các TGVPL để làm sao nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh, nhằm nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng TGPL trên địa bàn.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tro-giup-phap-ly-da-di-vao-cuoc-song-106445.html