Trợ giúp pháp lý - từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong đời sống pháp luật

Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) là chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. TGPL cung cấp pháp lý bằng các hình thức như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện tố tụng miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Công tác TGPL của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau thời gian qua đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thường xuyên tập huấn kiến thức mới cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý các huyện, thành phố.

Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thường xuyên tập huấn kiến thức mới cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý các huyện, thành phố.

Với tiêu chí đi sâu, tiếp cận với các đối tượng yếu thế, thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL về cơ sở, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc sinh sống. Từ đó khẳng định được vị trí, vai trò của TGPL trong đời sống, để nhiều người dân biết đến TGPL, tìm đến và sử dụng dịch vụ này. Từ đó, mang lại những kết quả tích cực. 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện TGPL được 1.135 vụ việc, 1.135 lượt người. Trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 990 vụ việc gồm: tham gia tố tụng 313 vụ việc; tư vấn pháp luật 677 vụ việc; luật sư ký hợp đồng TGPL thực hiện 145 vụ việc; thụ lý trực tại Tòa án Nhân dân được 340 vụ, trực điều tra hình sự 24 vụ.

Đối tượng được TGPL là người có công với cách mạng; người khuyết tật có khó khăn về tài chính; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người nghèo; người cao tuổi có khó khăn về tài chính; người nhiễm chất độc hóa học; con liệt sĩ khó khăn về tài chính.

Ông Ngô Đức Bính, Phó giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, cho biết: “Công tác TGPL của tỉnh Cà Mau 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và có sự tiến bộ về nhiều mặt. Trung tâm tiếp nhận nhiều vụ việc, tham gia cả 3 hình thức: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Trong đó, số vụ việc chiếm đa số là tư vấn pháp luật. Trong đó, tham gia tố tụng 534 vụ việc, tính chất công việc đa dạng hơn trong các lĩnh vực pháp luật như hình sự, dân sự, hành chính. Điều này cho thấy công tác TGPL được người dân quan tâm và yêu cầu quyền được TGPL theo chính sách của Đảng và Nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Bên cạnh đó, hiện nay nguyên tắc xét xử các cơ quan tố tụng, tài liệu chứng cứ tới đâu thì xem xét giải quyết tính hợp pháp tới đó, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Do đó, các vụ việc được giải quyết đầy đủ và đảm bảo hơn so với trước đây theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Từ đó, mang lại sự hài lòng rất cao trong Nhân dân”.

Để công tác TGPL đạt hiệu quả cao, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã cử luật sự, trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) bám sát địa bàn, tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Các vụ việc được TGPL kịp thời đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đội ngũ TGVPL được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đề ra.

Đội ngũ TGVPL được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đề ra.

Tại U Minh, công tác TGPL nhiều năm qua được chú trọng. Người thực hiện công tác TGPL luôn thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và UBND các huyện; Chương trình phối hợp số 04/CTPH-STP-TAND ngày 12/8/2022 giữa Sở Tư pháp và Tòa án Nhân dân tỉnh Cà Mau về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại TAND; Kế hoạch phối hợp số 35/KHPH-STP-CA ngày 13/3/2024 giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh Cà Mau thực hiện trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giữ mối liên hệ phối phợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành huyện, các cơ quan tiến hành tố tụng và UBND cấp xã trên địa bàn huyện. Thực hiện TGPL đầy đủ, kịp thời, đáp ứng 100% vụ việc yêu cầu của người được TGPL.

9 tháng đầu năm đơn vị tiếp nhận 1.135 vụ việc.

9 tháng đầu năm đơn vị tiếp nhận 1.135 vụ việc.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Hường, TGVPL huyện U Minh, thông tin: “Thời gian gần đây, số vụ tranh chấp xảy ra trong Nhân dân ngày càng lớn, hằng năm, Tòa án thụ lý lượng án này ngày càng tăng, tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp. Ngoài những kiến thức đã học, tôi còn tham gia thêm các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý, nghiên cứu thêm các văn bản, tài liệu, trao đổi kinh nghiệm với các anh chị em đồng nghiệp những người có kinh nghiệm đã từng tham gia các vụ án phức tạp, từ đó có những định hướng, quan điểm để hỗ trợ tốt cho người được TGPL”.

Theo đó, 9 tháng đầu năm, TGVPL trên địa bàn huyện U Minh đã tiếp nhận, thụ lý và thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn được 79 vụ, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tham gia tố tụng hoàn thành được 41 vụ việc, đạt chỉ tiêu ở mức tốt. Đồng thời, chủ động phối hợp với các xã đặc biệt khó khăn, xã có ấp thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các xã, thị trấn xây dựng đạt tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao khảo sát và tổ chức truyền thông pháp luật về cơ sở. Trợ giúp viên pháp lý phát huy tốt vai trò trong việc tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Chất lượng, hiệu quả công tác TGPL được nâng cao, đáp ứng 100% yêu cầu của người được TGPL.

Các vụ việc được TGVPL tiếp nhận và giải quyết theo yêu cầu của người được TGPL.

Các vụ việc được TGVPL tiếp nhận và giải quyết theo yêu cầu của người được TGPL.

Ông Ngô Đức Bính chia sẻ: “Thời gian qua, công tác tổ chức cán bộ được lãnh đạo Sở Tư pháp, Đảng ủy Sở Tư pháp quan tâm, tạo điều kiện để Trung tâm TGPL Nhà nước xét tuyển cán bộ đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã bố trí đủ 25 người làm việc tại các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, mỗi huyện bố trí 2 người, ít nhất có 1 TGPVPL. Song song công tác bố trí sắp xếp cán bộ, Trung tâm chú trọng đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng TGPL. Mỗi TGVPL đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Ban giám đốc Trung tâm cũng tạo điều kiện để viên chức tự học, tự rèn luyện phấn đấu đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ về TGPL”.

Có thể khẳng định, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh đang từng bước phát triển và củng cố vai trò, vị trí trong đời sống pháp luật. Thời gian tới, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới các hình thức TGPL, đẩy mạnh truyền thông về cơ sở, chú trọng hình thức tham gia tố tụng, đảm bảo 100% người thuộc diện TGPL được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi có nhu cầu, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân bình đẳng trước pháp luật./.

Kim Cương - Hoàng Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tro-giup-phap-ly-tung-buoc-khang-dinh-vai-tro-vi-tri-trong-doi-song-phap-luat-a35176.html