'Trổ tài' viết chữ đẹp

159 học sinh từ khối 1 đến khối 5 đã được lựa chọn tham gia giao lưu 'Viết chữ đẹp' ở Trường Tiểu học Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn). Sân chơi đã tạo được sự hưởng ứng, đồng tình của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Khép lại năm học 2023-2024, nhưng vẫn còn đó dư âm buổi giao lưu ý nghĩa này.

Trường TH Hải Nhân trao thưởng cho những học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi.

Trường TH Hải Nhân trao thưởng cho những học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi.

Niềm vui

Trong thời gian 25 phút, mỗi học sinh phải hoàn thành bài thi là chép một bài thơ hoặc một đoạn văn đã được ban tổ chức lựa chọn trước đó. Bài thơ hay đoạn văn này có thể nằm ngoài hoặc trong chương trình sách giáo khoa. Khác với thi văn hóa, tại buổi giao lưu “Viết chữ đẹp”, theo quy định, bài thi phải hoàn chỉnh, không thiếu chữ nào. Nếu thiếu 1 chữ loại ngay và 2 lỗi chính tả cũng bị loại. Kết quả tại buổi giao lưu, ban tổ chức đã chọn được 9 giải nhất, 24 giải nhì, 39 giải ba và 28 giải khuyến khích.

Lớp 5B do cô giáo Lê Thị Đan chủ nhiệm có 10 học sinh tham gia thì cả 10 em đều đoạt giải. Hoàng Minh Anh, học sinh đoạt giải nhì, dường như vẫn còn chút nuối tiếc. Bài thơ “Qua Thậm Thình” với cách viết sáng tạo nhưng ở tên bài thơ thì em lại viết chữ thường nên bị trừ điểm. Chia sẻ của Minh Anh: “Là do em sơ suất nên bị lỗi. Cũng có hơi tiếc. Tuy nhiên, em cũng như nhiều bạn khác, rất thích buổi giao lưu này, vừa rèn kỹ năng vừa rèn tính cách, rất thú vị”. Điều đặc biệt ở Minh Anh, ngoài giải nhì “Viết chữ đẹp” cấp trường em còn đoạt giải nhất môn Tiếng Việt cấp thị xã.

Buổi giao lưu đã để lại ấn tượng đẹp. Với phụ huynh thì đây cũng là dịp để dành sự quan tâm cho con nhiều hơn. Và hơn thế, còn là niềm vui, sự tự hào khi con có tên trong danh sách đoạt giải. Khi Nguyễn Thị Hoàng Yến, lớp 1A, đoạt giải nhất, mẹ em là chị Nguyễn Thị Hà đã dành cho con phần quà là một tập truyện thiếu nhi và một hộp bút. “Nhiều khi tôi cảm giác, viết là đam mê của con. Ví dụ, con đọc 1 cuốn truyện thì con sẽ ngồi tập viết lại câu chữ trong cuốn truyện ấy vào vở ô li. Với con, đấy cũng là cách luyện chữ cho bản thân", chị Hà cho biết.

Nét chữ, nết người

Giao lưu “Viết chữ đẹp” mà ở đó học sinh không chỉ trau dồi kỹ năng viết chữ mà còn rèn cho các em sự cẩn thận, kiên trì. Luyện nét chữ để rèn nết người. Và giáo viên thông qua buổi giao lưu này, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm cũng như nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy và học... Theo cô giáo Trần Thị Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, đối với học sinh lớp 1, lớp 2, nét chữ đầu tiên rất quan trọng. Nếu không cẩn thận, không tỉ mỉ sẽ không viết được. Theo đó, trước khi tham gia buổi giao lưu “Viết chữ đẹp”, giáo viên kiên trì hướng dẫn, cầm tay học sinh luyện chữ. “Lớp 1 đang viết bút chì. Nhưng ở buổi giao lưu sẽ viết bút mực”. Cô giáo Tuyết nói. “Từ bút chì sang bút mực không dễ. Bút máy muốn đưa được nét thanh, nét đậm rất khác nhau. Do đó, đối với lớp 1 để cầm bút viết nét thanh, nét đậm là cả vấn đề. Luyện chữ vất vả nhưng vui. Qua buổi giao lưu, học sinh viết đẹp hơn đồng thời rèn cho học sinh tư thế ngồi, cách trình bày...”.

Những bài thi "Viết chữ đẹp" của học sinh ở Trường Tiểu học Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn). (Ảnh nhà trường cung cấp)

Những bài thi "Viết chữ đẹp" của học sinh ở Trường Tiểu học Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn). (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cũng theo cô giáo Lê Thị Đan, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B, luyện chữ đẹp là cả quá trình chứ không chỉ ngày một, ngày hai. Chữ đẹp là viết đúng ô li và cỡ chữ theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cũng theo người trong nghề, đối với một cuộc thi viết chữ đẹp, thì cần thiết phải chọn bút, mực, giấy bảo đảm, phù hợp. Điều này đóng góp quan trọng cho thành công của bài thi. Đơn cử như chọn giấy, khi viết không bị nhòe. Bút mài có nét thanh nét đậm và mực không tẩy được...

Không chỉ đến cuộc giao lưu “Viết chữ đẹp” thì giáo viên, học sinh mới có cơ hội để “trổ tài”. Phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” đã được Trường Tiểu học Hải Nhân thực hiện trong nhiều năm qua. Đây là một nhiệm vụ giáo dục quan trọng, không dừng lại ở chữ viết mà hơn thế đó là cả quá trình rèn ý thức học tập và nhân cách học sinh. Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Đỗ Thị Thu cho biết: “Giao lưu “viết chữ đẹp” còn là một hoạt động chuyên môn cần thiết để giúp giáo viên bồi dưỡng nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu giáo dục trong tình hình mới. Nhà trường sẽ tiếp túc duy trì hoạt động này. Ở năm học 2024-2025, nhà trường sẽ tổ chức hội thi giáo viên viết chữ đẹp để thi đua, khuyến khích, động viên phong trào”.

Bà Vũ Thị Thanh Vân - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghi Sơn: “Thi viết chữ đẹp đối với học sinh, nhất là học sinh tiểu học là một hoạt động giáo dục hay và bổ ích. Người xưa nói “nét chữ - nết người”. Việc luyện chữ không chỉ rèn luyện kỹ năng viết chữ đẹp, phát huy sở trường của từng cá nhân học sinh mà còn rèn cho các em tính kiên nhẫn, cẩn thận, có nguyên tắc trong học tập, trong sinh hoạt và cuộc sống sau này. Đây là những phẩm chất rất cần thiết cho mỗi con người. Giao lưu “Viết chữ đẹp” là một hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa nên được duy trì và phát triển ở các trường tiểu học”.

Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tro-tai-nbsp-viet-chu-dep-31963.htm