TRỞ VỀ
Chạng vạng chiều, xe tôi về đến phà Lạn. Những ngày cuối đông năm nay trời tuy có nắng, song là một thứ nắng mỏng mảnh yếu ớt nên trời vẫn lạnh và gió bấc ù ù thổi.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_442_51431758/c2d8d3c7e98900d75998.jpg)
Hiển xuống xe, anh co ro, rụt cổ vào cái áo phao to sụ. Qua gương chiếu hậu, tôi thấy Hiển ngó nghiêng, sau đó lững thững vào một quán nước bên đường mua bánh gai, chừng mươi chiếc. Quay lại xe Hiển bảo tôi: “Mẹ mình thích bánh gai Lạn”. Tôi cười: “Thì ra anh vẫn chưa quên ý thích của mẹ?” Hiển ngượng ngùng: “Mình có lỗi với mẹ quá”.
Từ bến phà về An Phú chừng hai chục cây số, Hiển hỏi tôi đi bao lâu nữa, tôi bảo cỡ mươi mười lăm phút là cùng. Hiển tần ngần, do dự một chút, rụt rè bảo: “Quế à, còn sớm quá, hay là dừng xe chờ tối hẵng về!” Sự nhạy cảm của một nhà báo tôi nhận thức được vấn đề ngay. Dẫu sao anh ấy vẫn còn tự ti, anh chưa muốn hoặc sợ người thị trấn An Phú nhận ra mình sau một thời gian dài biệt tăm.
Lần nào về thị trấn An Phú tôi đều đến thăm bác Tâm, qua phà Lạn tôi vào quán nước mua chục bánh gai biếu bác. Bác Tâm bảo: “Làng Lạn người ta làm bánh gai tỉ mỉ, gạo nếp chọn kỹ, lá gai giã nhuyễn, đậu xanh hạt đều, mỡ tươi lọc ra từ thịt ba chỉ…bánh gai ở đấy ngon nhất đấy!” Tôi hỏi: “Sao bác biết?” Bác Tâm buông một tiếng thở dài: “Trước đây, thằng Hiển hay mua bánh gai làng Lạn về cho bác, mà chỉ bánh nó mua mới là ngon nhất.” Bác móm mém cười: “Bác nói vậy không phải bánh gai con mua là không ngon đâu nhá”. Nói rồi bác lặng người đi. Đôi mắt trũng sâu, được viền xung quanh bằng những nếp da nhăn nheo, cố mở to nhìn về phía trước. Tôi biết đôi mắt của bác Tâm không thể nhìn xa được.
Vài năm trước bác phải đi thay thủy tinh thể, từ đận ấy bác bảo, tầm nhìn chỉ nổi từ nhà ra đến ngõ. Vậy cái nhìn chăm chú của bác về phía trước là bác nhìn gì? Bác chẳng nhìn gì ngoài cái ngõ nhỏ dẫn ra đường phố thị trấn, rồi con đường ấy đưa Hiển đi biệt tăm, một tin nhắn về cũng là nỗi ước ao của bác. Hồi nhà tôi còn ở An Phú, tôi thân với Hiển.
Sáng nào đi học hai đứa cũng chờ nhau, rồi cặp kè quấn quýt. Một lần giờ thể dục, tôi chạy, bị kiệt sức, nằm vật ra đường, Hiển chẳng hề xấu hổ, cúi xuống, vòng hai tay luồn qua lưng, bế thốc tôi lên chạy một mạch đến phòng y tế. Đi ăn chè, ăn kem, bún đậu mắm tôm, thịt nướng… dường như không bữa nào là không có đôi. Hai đứa thân đến mức bạn bè trong lớp cho đó là một cặp. Mà đúng! Là một cặp, nhưng cặp đó dường như chỉ có ở phía tôi…Thực tình, tôi đơn phương thích Hiển, còn Hiển có thích tôi không, tôi chịu, chẳng biết được.
Nhà tôi và nhà Hiển cũng không cách xa nhau lắm. Tuy nhiên hoàn cảnh, điều kiện hai nhà thì cũng có một khoảng cách khá xa. Bố mẹ tôi đều là cán bộ có chức sắc ở huyện, lương soạn cũng khá. Ông bà nội tôi kinh doanh hàng vàng có tiếng, ông bà nội chỉ có mình bố tôi nên bao nhiêu tiền bạc, của nả cũng dành cho bố mẹ tôi. Sau này tôi mới biết, chính vì mặc cảm về giàu nghèo mà Hiển đâu có dám bộc lộ tình cảm gì.
Điều đó đã trở thành vật cản lớn, để rồi sau này khi đi đại học, tốt nghiệp về công tác ở thành phố, dường như tôi chỉ còn coi Hiển là chỗ tình bạn thân thiết thuở thiếu thời thôi. Tuy vậy tôi vẫn yêu quý bác Tâm và hai đứa em của Hiển. Bố Hiển làm công nhân khai thác đá ở núi Ông Voi. Việc của ông, khoan lỗ đặt mìn, lúc nào cũng treo mình trên vách núi cao. Một lần do sơ ý, dây bảo hiểm bị tuột, ông rơi xuống đất. Người ta kịp thời đưa ông đi cấp cứu, mạng cứu được, nhưng thân thể tàn phế. Đận ấy, bác gái phải bán nhà mặt đường phố chính thị trấn, mua nhà trong hẻm, để lấy tiền trang trải. Nhưng cũng chỉ hơn một năm, bác trai qua đời vì bị bệnh phổi. Người ta bảo vì khoan đá bác hít phải bụi đá nhiều mà mắc bệnh.
Bác Tâm, mẹ Hiển, người phụ nữ mảnh dẻ, yếu ớt, thương chồng, thương con, không nề hà công việc to nhỏ, ai thuê mướn gì cũng lăn vào làm. Những hôm không ai thuê mướn, bác đi nhặt ve chai, thu gom phế thải. Vất vả vậy nhưng thu nhập cũng chẳng đáng bao nhiêu.
Suốt những năm học THPT, Hiển luôn bị thiếu thốn, mấy lần đã định nghỉ học, đi làm đỡ đần mẹ, nuôi các em, (dưới Hiển còn hai đứa em gái, cái Phượng, cái Thoa) nhưng bác Tâm bảo: “Mẹ vẫn cố được, con gắng vượt qua nghèo khó để bằng chúng bằng bạn”. Học hết cấp ba vì điều kiện kinh tế gia đình Hiển không thể đi đại học. Ở thị trấn nhỏ tìm công ăn việc làm thật khó, sau khi suy tính, Hiển bảo mẹ: “Con xuống thành phố kiếm việc làm”.
Bác Tâm không biết Hiển xuống thành phố làm gì, ở đâu. Năm đầu tiên thi thoảng Hiển cũng về, đưa cho bác ít tiền rồi lại vội đi. Nhưng mấy năm nay bặt tăm. Bác Tâm cũng không biết hỏi ai, cái Thoa, cái Phượng học xong phổ thông, đều làm công nhân, đứa ở công ty giày da, đứa công ty điện tử. Mấy lần hai đứa lên tỉnh thăm dò xem anh trai ở đâu, nhưng cũng chịu. Thành phố to lớn, vả lại hồi anh Hiển đi cũng chẳng cho chúng biết cụ thể đi đâu làm gì. Chỉ tội cho bác Tâm, đêm nào cũng trằn trọc vì nỗi nhớ con. Kinh tế bây giờ cũng không còn khó khăn như trước, nhưng nỗi nhớ con cứ day dứt cuộn cào giày vò khiến bác ngày một rầu rĩ, héo hon.
Gần tết năm ngoái, tôi có việc về An Phú, tranh thủ ghé qua thăm bác Tâm. Bác già đi nhanh quá, sức khỏe cũng yếu nhiều. Bác Tâm nắm chặt tay tôi, bàn tay bác run run, giọng bác nghèn nghẹn: “Quế ơi, bác biết ngày trước thằng Hiển cũng yêu cháu lắm, nhưng hoàn cảnh nhà bác nên nó không dám thổ lộ… Bác cũng biết ở An Phú chỉ có con là thân tình nhất với nhà bác… Bây giờ con là nhà báo có điều kiện đi đây đi đó, lại quen biết nhiều người … Con tìm thằng Hiển cho bác được không?” Rồi bác khóc. Khóc không thành tiếng, chỉ có những giọt nước mắt chảy ra từ cặp mắt già nua.
Tôi không dám hứa với bác Tâm về việc tìm anh Hiển, nhưng trong thâm tâm tôi tự hứa với mình bằng nhiều kênh sẽ cố gắng lần ra một manh mối nào đó. Tôi suy tính và bắt đầu từ ngay anh Lộc chồng tôi, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, nhưng có mối quan hệ xã hội rộng. Anh Lộc bảo: “ Được rồi, anh sẽ thử…”
Một buổi tối, chồng tôi đưa một người về nhà: “Giới thiệu với em, đây là anh Quảng công an thành phố”. Tôi chào anh Quảng, anh gật đầu nói: “Anh Lộc bảo, nhà báo đang cần tìm manh mối một người?” Tôi đáp: “Vâng ạ!” Sau đó tôi đưa ảnh của Hiển cho anh Quảng. Anh xem đi xem lại, đôi mắt của anh có lúc nhíu lại, những nếp nhăn trên trán cũng nhiu nhíu nhăn nheo theo. Một lát anh bảo: “Anh có thể cầm tấm ảnh này không?” Tôi nói vâng, và bảo: “Nhờ anh tìm giùm manh mối người này nha!” Anh Quảng nói: “Tôi sẽ hết sức giúp nhà báo”.
Quãng gần tháng, anh Quảng hẹn tôi đi với anh đến một công trường xây dựng trong thành phố. Gặp gỡ một vài công nhân, cho họ xem ảnh, thật may có người nhận ra: “Nếu tôi không nhầm đây là thằng Hiển!” Tôi vội vàng: “Đúng rồi, anh ấy là Hiển”. Người công nhân trầm ngâm giây lát, nói: “Nó làm bốc vác gạch sắt xi măng với tôi một thời gian, công việc vất vả cực nhọc mà thu nhập cũng chẳng ăn thua, nên bỏ, nghe đâu theo người ta lên biên giới làm ăn”. Anh Quảng hỏi: “Anh có biết là những người nào không?” Anh công nhân đáp: “Tôi không biết, chỉ loáng thoáng trong số những người rủ rê thằng Hiển có người tên Thành!” Phải công nhận anh Quảng nhiệt tình. Anh cùng với một người bạn là Tuấn, Công an hình sự thành phố lần mò, tìm kiếm người tên Thành.
Thành phố hơn trăm nghìn người, không biết bao nhiêu người tên là Thành. Ấy vậy mà cũng không lâu, anh điện cho tôi: “Nhà báo ạ, có manh mối người tên Thành rồi nhé”. Thì ra Thành cũng thuộc dạng tương đối “bất hảo”, anh ta đã có một tiền án về tội “hành hung”. Anh Tuấn bảo tôi: “Thành to cao, mặt dữ, và xăm trổ hình thù kỳ dị đầy người, có thời làm “đầu gấu” chuyên kiếm ăn ở chợ tỉnh, bị công an dẹp, nên rủ rê một số người lên biên giới làm ăn. Không biết người nhà báo đang tìm có trong số những người theo Thành không?” Tôi bảo hai anh: “Nếu có thể được nhờ hai anh đi biên giới với tôi một chuyến”. Anh Quảng bảo: “Được thôi, để chúng tôi sắp xếp công việc, xin phép cơ quan”. Trong tôi đã bắt đầu lóe lên những tia hy vọng.
Tôi lại nghĩ về bác Tâm và tưởng tượng ra cảnh bác gặp lại con trai mình. Chuyến đi lên tỉnh biên giới của tôi vô cùng thuận lợi. Những người bạn của anh Quảng và anh Tuấn công tác ở Công an tỉnh biên giới tận tình giúp đỡ tìm kiếm. Chỉ mất một khoảng thời gian ngắn các anh đã tìm ra Hiển. Qua các anh tôi biết được những năm qua những gì đã xảy ra với Hiển. Thực tình tôi không thể ngờ được, con người ta có những thay đổi đột ngột. Có lẽ do hoàn cảnh xô đẩy, có lẽ do ngoại cảnh, có lẽ do những ham muốn… Hàng ngàn những lý do, nhưng tôi vẫn sốc… Tôi không thể ngờ Hiển, người một thời là người trong mộng của tôi lại thay đổi như vậy.
Thuở nào, chàng trai thị trấn An Phú có khuôn mặt thanh tú chất phác, với vầng trán rộng, mũi cao, cặp lông mày đen đậm bên trên đôi mắt sáng trong luôn mở to nhìn ai cũng bằng cái nhìn thân thiện, nhân ái, chàng trai ấy đã hút hồn tôi một thuở học trò, giờ đây lại tàn tệ, suy sụp đến không thể tàn tệ hơn.
Hiển theo Thành lên biên giới với lời đường mật mỗi ngày kiếm bạc triệu dễ như ăn kẹo. Công việc của Hiển len lỏi qua các đường mòn để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm từ bên kia sang. Mỗi chuyến hàng trót lọt Hiển đều được chia cho một số tiền có khi gấp hàng chục lần cả tuần bốc vác trên công trường. Được đồng nào, Hiển cũng tích góp dành dụm để khi có điều kiện mang về cho mẹ. Ấy thế nhưng “đường đi hay tối” bọn buôn bán hàng lậu hàng cấm cũng bị bộ đội biên phòng triệt phá. Trong một lần, trong khi vận chuyển hàng bọn Hiển bị bao vây và truy quét. Vì sợ mất hàng phải đền bù Hiển đã chống trả lại lực lượng chức năng. Cuối cùng Hiển bị quật ngã, và lĩnh án 3 năm tù.
Hết thời gian cải tạo, Hiển mất sạch tiền bạc tích cóp được, anh xấu hổ, không dám về quê, chọn một cái chợ thị trấn xa xôi ở biên ải làm thuê cho các hộ kinh doanh buôn bán. Được sự giúp đỡ của các anh công an tôi cũng tìm đến được cái chợ nơi heo hút ấy. Tôi không thể nhận ra nổi Hiển nữa. Chàng trai An Phú gầy tọp đi, đen xạm lại, mặt mày hốc hác.
Nghe tiếng tôi gọi, Hiển sững sờ. Một lúc lâu khi nhận ra tôi anh định bỏ chạy. Không hiểu sao lúc ấy hai hàm răng của tôi lại sít lại, tiếng nói giận dữ sin sít ra: “Hiển, anh định trốn đến bao giờ nữa?”. Tối hôm ấy, ở một nơi xa thăm thẳm tôi và Hiển có cuộc đối mặt, tôi nói chuyện với anh vừa nghiêm túc vừa tình cảm.
Tôi kể lại cho Hiển về nỗi nhớ con, nhớ anh đến héo hon của mẹ và hai đứa em. Hiển không nói với tôi một câu nào, anh cúi đầu lặng lẽ, thi thoảng lại thở dài. Cho đến khi tôi nói với anh rằng bác Tâm lúc nào cũng thèm ăn bánh gai làng Lạn, mà phải là bánh gai chính tay anh mua về biếu mẹ, bất giác Hiển ôm mặt khóc nấc lên. Trong tiếng khóc là những tiếng thổn thức: “Mẹ ơi… Con có lỗi với mẹ…”
Đợi cho Hiển ngưng khóc, tôi nói với anh: “Về thôi Hiển ơi. Anh còn trẻ, anh sẽ làm lại, để phụng dưỡng mẹ anh, để làm điểm dựa cho các em anh!” Sáng hôm sau, chắc hẳn qua một đêm trong căn nhà trọ nhỏ nhoi, lạnh lẽo, Hiển đã suy nghĩ nhiều lắm, nên anh mới nói với tôi rằng anh trở về An Phú với mẹ, và cũng hứa với tôi rằng anh sẽ làm lại cuộc đời. Chẳng ai biết được, cuộc đời phía trước sẽ như thế nào, nhưng tôi tin, người trong mộng thời non dại của tôi sẽ làm lại được. Bởi tôi biết mẹ anh và những người ở thị trấn An Phú quê tôi luôn rộng lòng và đón đợi anh.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tro-ve-223450.htm