Xuân này, ai nhớ Tết thầy?

Gần đây, tôi có dịp ngồi nói chuyện về chủ đề ngày Tết với cô Nguyễn Thị Thẳng (chủ quán ăn sáng ở Vũng Tàu) về chuyện Tết thầy thuở xưa.

Vợ chồng cô Thẳng (bên trái) đến thăm, chúc Tết thầy giáo năm xưa. Ảnh: NVCC

Vợ chồng cô Thẳng (bên trái) đến thăm, chúc Tết thầy giáo năm xưa. Ảnh: NVCC

Hóa ra, văn hóa chúc Tết, một nét đẹp truyền thống được in sâu vào tiềm thức các thế hệ người Việt, chưa hề bị mai một và dù ở vùng miền nào cũng giống nhau. Nó gợi nhắc mỗi người sinh ra trên dải đất hình chữ S phải luôn nhớ đến đạo hiếu làm con với cha mẹ trước tiên, sau đó là công ơn thầy cô đã trao cho ta kiến thức, đã dạy ta thành tài.

Dù cha mẹ hai bên đều đã mất, vợ chồng cô Thẳng may mắn vẫn còn thầy cô ở gần. Đã thành truyền thống ngày Tết, sau khi xong xuôi việc thờ cúng ông bà, cô chú cùng các bạn hẹn nhau đi chúc Tết thầy cô và duy trì thói quen này vừa để thể hiện lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn đối với những người gieo hạt giống tri thức cho mình vừa làm tấm gương để con cái nhìn vào noi theo.

Nghe cô Thẳng kể chuyện Tết thầy với ánh mắt long lanh và nụ cười sáng bừng trên khuôn mặt, tôi cứ ngỡ người ngồi đối diện với mình kia là một cô học trò vui tươi, đáng yêu nào đó chứ không phải người bà, người mẹ ở gần tuổi 70.

Cô Thẳng nhớ lại, đến nhà thầy cô, mọi người đều xếp một hàng ngay ngắn như hồi còn đi học chờ đến lượt được chúc Tết rồi nhận lì xì. Trong mỗi bao đỏ dù chỉ có 10 ngàn đồng nhưng ai nấy đều hớn hở giơ hai tay đón nhận và cúi đầu cảm ơn thầy cô như những đứa trẻ của hơn 60 năm trước. Má cô ửng hồng dưới tia nắng sớm hắt vào từ mái hiên. Cô bưng miệng cười xấu hổ khi nhớ lại giây phút khoe với con gái mình rằng ba mẹ được thầy cô lì xì. Miệng tôi bất giác cũng nhoẻn cười theo. Dù ở tuổi nào, khi đứng trước thầy cô và ở bên bạn bè, ta sẽ mãi luôn là những đứa trẻ chưa chịu trưởng thành.

Rồi giọng cô Thẳng lắng lại khi nhắc chuyện năm ngoái ở nhà thầy, thầy nghe học trò kể chuyện cậu bạn đang mắc bệnh nặng nên năm nay vắng mặt. Người thầy 90 tuổi vội lấy ít tiền dành dụm của mình gửi cho học trò. Thầy trò đưa đẩy mãi. Mắt ai nấy đều đỏ hoe thương thầy, thương bạn. Thầy bảo, thầy già rồi cần gì tiêu đến tiền, các em vẫn còn trẻ lại đang lúc hoạn nạn.

***

Theo quan niệm dân gian, ba ngày đầu tiên của tháng Giêng là ba ngày quan trọng nhất, trong đó mùng 1 tượng trưng cho sự khởi đầu. Vì vậy, “mùng 1 Tết cha” nhắc nhở mỗi người phải luôn hướng về nguồn cội, người có công sinh thành.

Sáng mồng 1, con cháu phải dậy sớm để làm cơm cúng bái tổ tiên. Xong xuôi mới tới nghi thức chúc Tết ông bà, cha mẹ và nhận lì xì mừng tuổi, sau đó cả gia đình sẽ ăn bữa cơm đầu năm và cùng khởi hành đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng gia đình bên nội.

 Bạn bè xưa gặp lại, ôn lại kỷ niệm về thầy cô, mái trường. Ảnh: NVCC.

Bạn bè xưa gặp lại, ôn lại kỷ niệm về thầy cô, mái trường. Ảnh: NVCC.

Sau khi làm tròn bổn phận với nhà chồng, người phụ nữ mới đưa chồng con về nhà ngoại để bày tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ đẻ. Bố mẹ tôi không có con trai nên mồng 1 năm nào ở nhà cũng chỉ có hai ông bà lủi thủi một mình.

Sang mồng 2, gia đình các con kéo nhau về ngoại chúc Tết như trẩy hội. Lúc ấy, nhà cửa mới ồn ào, tấp nập, có không khí ngày Xuân. Mẹ tôi sẽ tất bật từ sáng chuẩn bị đồ ăn còn bố dậy thật sớm ngồi ở phòng khách ngóng con cháu về. Con cháu chúc Tết ông bà, cả nhà lì xì cho nhau xong xuôi rồi cùng ngồi ăn bữa cơm sum vầy. Buổi chiều, cả gia đình bắt đầu rồng rắn nhau đi chúc Tết họ hàng đằng ngoại.

Sau hai ngày hoàn thành đạo hiếu với bố mẹ hai bên, những người đã có công sinh thành, mồng 3 sẽ là ngày trả nghĩa thầy cô - những người có công dạy bảo chúng ta nên người. Đây cũng là ý nghĩa của câu nói “mùng 3 Tết thầy”. Từ xa xưa, con cháu đã luôn được ông bà, cha mẹ răn dạy “Vua, thầy, cha ấy ba ngôi. Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”. Tết thầy đã thành nếp đẹp hàng trăm năm không thay đổi. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức từ học trò đến các bậc phụ huynh...

Ngày trước, cứ đến mồng 3 Tết, tôi sẽ chia lịch để cùng bạn học đi chúc Tết thầy cô. Ban ngày, tôi tới Tết thầy cô ở xa còn buổi tối đến nhà thầy cô dạy cấp một ở quanh làng. Ngày đó khó khăn, đứa nào đứa nấy đều tay không đến nhà thầy cô. Vậy mà thầy cô lúc nào cũng hân hoan cười nói đón tiếp học trò, nhà có bao nhiêu bánh trái là mang ra hết cho đám trẻ nghịch ngợm.

Bây giờ nghĩ lại chợt thấy nhớ tình cảm thầy trò ngày xưa. Đám học trò lớn lên đi tứ phương lập nghiệp, Tết chẳng thể về đầy đủ rồi viện đủ lý do bận rộn nên truyền thống Tết thầy đến giờ chỉ còn là chuyện xưa cũ. Như tôi, nghe chuyện của cô chú bán hàng sáng, tôi tự thấy mình có lỗi, áy náy với thầy cô. Biết rằng có lẽ thầy cô chẳng để bụng giận đám học trò nhỏ vô tâm…

Tết cha, Tết mẹ, Tết thầy không chỉ là dịp con cái, học trò thể hiện sự biết ơn, mà còn là dịp chúng ta được ngồi lại với những người đã đi qua mọi dâu bể trong đời để tiếp tục được cha mẹ, thầy cô dạy bảo những bài học làm người quý giá và hơn hết là dịp để chúng ta được ở bên nhau khi còn có thể. Bởi biết đâu ngày mai ai còn lại trên đời cho ta về chúc Tết… Và, nếu không có quá khứ thì sao có hiện tại, mỗi cá nhân cứ sống mà mất dần lòng biết ơn, lãng quên nguồn cội thì xã hội sẽ đi về đâu?

Tạp bút của Đan Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xuan-nay-ai-nho-tet-thay-post718827.html