Đề phòng nguy cơ trẻ gặp biến chứng do mắc cúm A

Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy, vào thời điểm cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán vừa qua, số trường hợp mắc cúm có xu hướng gia tăng cục bộ tại nhiều địa phương, trong đó đã ghi nhận các ca bệnh nặng phải nhập viện.

Nhiều trường hợp nhập viện

Theo đó tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97% so với cùng kỳ năm 2024 (với 34.442 ca). Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.

Bệnh nhi mắc cúm A được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhi mắc cúm A được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.

Trước đó, năm 2024, nước ta ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong. Cũng trong năm 2024, ghi nhận 4 trường hợp tử vong do cúm A (H1N1) tại Bình Định, đây là các trường hợp có bệnh nền mãn tính nặng, không ghi nhận biến thể của virus. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949), Hà Tĩnh (14.073), Sơn La (10.162).

Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân và khi giao mùa. Trong đó, cúm A là loại cúm mùa phổ biến nhất, chiếm tới 75% các trường hợp nhiễm cúm ở người. Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Virus cúm A có thể lây từ gia cầm mắc bệnh sang người khi có tiếp xúc gần, tuy nhiên, phổ biến hơn cả là lây lan từ người sang người qua đường hô hấp. Khi nói chuyện, hắt hơi hoặc ho, virus trong cơ thể sẽ phát tán ra ngoài theo tuyến nước bọt với phạm vi lên tới 2m. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, hoặc trò chuyện trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.

Ngoài ra, virus cúm A còn tồn tại trên các bề mặt như tay nắm cửa, quần áo, điện thoại, bát đũa và các vật dụng hàng ngày. Virus cúm có thể sống sót trên các bề mặt này đến 48 giờ, tạo điều kiện cho sự lây lan trong cộng đồng. Đây là bệnh rất dễ lây lan, mọi người đều có thể mắc đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm A là 3 chị em trong một gia đình. Trong đó, 2 trẻ có diễn biến nặng với biến chứng viêm phổi, phải nhập viện để điều trị. Cụ thể, cả 3 bệnh nhi đến khám tại Medlatec sau 2 ngày khởi phát các triệu chứng, bao gồm sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, ho khan nhiều, đau tức ngực trái, nhiều dịch mũi. Các triệu chứng xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính tăng dần.

Xét nghiệm test nhanh cúm cho kết quả dương tính với cúm A ở cả 3 trẻ. Trong đó, 2 bé gái có tình trạng nặng hơn, được chỉ định nhập viện do biến chứng viêm phổi. Chụp CT phổi có hình ảnh tổn thương viêm phổi. Riêng bé trai do triệu chứng nhẹ hơn, được kê đơn thuốc điều trị và theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hai bệnh nhi nhập viện được điều trị tích cực theo phác đồ, bao gồm kháng sinh, thuốc hạ sốt, chăm sóc hỗ trợ hô hấp và theo dõi sát tình trạng viêm phổi. Sau 7 ngày điều trị nội trú tình trạng sức khỏe của các bé đã ổn định. Hình ảnh chụp CT phổi sau điều trị không còn tổn thương, chức năng hô hấp cải thiện tốt, sức khỏe gần như hồi phục hoàn toàn.

Đề phòng biến chứng nặng

ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi (Phòng khám Đa khoa Medlatec số 2) cho biết, mặc dù cúm mùa thường tiến triển lành tính, nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nặng và nguy hiểm thường gặp ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai. “Phần lớn bệnh nhân mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh lý nền) có nguy cơ gặp phải các biến chứng như viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan, thậm chí là sảy thai. Nếu mẹ bầu nhiễm cúm ở 3 tháng đầu trong thai kỳ có thể gây ra những dị tật thai nhi như sứt môi, hay bệnh lý van tim.

Một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể tiến triển nặng với các triệu chứng sốt cao, khó thở, suy đa tạng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, một trong những điều quan trọng nhất khi đối phó với bệnh dịch do virus cúm là chẩn đoán nhanh chóng và kịp thời. Khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính nghi ngờ nhiễm cúm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định bệnh và can thiệp điều trị phù hợp. Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến lâm sàng nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm do cúm gây ra” – BS Ngọc thông tin.

Theo TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khuyến cáo, cúm A là bệnh rất dễ lây lan, mọi người đều có thể mắc đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng (tháng 7 - 9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.

Ngoài ra cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ: Cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi…
Giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh. Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng. Thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày…

Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do vậy tránh đưa trẻ tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm. Cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm.

Người dân chủ động đi tiêm vaccine phòng cúm tăng cao

Thông tin từ Hệ thống tiêm chủng VNVC cho thấy, lượng người đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh cúm mùa tiếp tục tăng cao trên cả nước. Theo ghi nhận từ gần 220 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước, số lượng người dân chủ động đi tiêm vaccine phòng cúm đã tăng trên 500% chỉ trong 5 ngày và tiếp tục có dấu hiệu tăng mạnh, nhất là sau thông tin nhiều ca biến chứng nặng do cúm trên toàn quốc. Để đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine cúm đang gia tăng rất cao của người dân, từ ngày 7/2, VNVC tăng cường thời gian hoạt động đến 18 giờ và làm việc xuyên trưa không nghỉ tại 108 trung tâm.

Trước lo ngại của người dân về thiếu vaccine cúm, đại diện của Hệ thống tiêm chủng VNVC khẳng định, hiện đơn vị có đầy đủ các loại vaccine cúm phục vụ cho trẻ em và người lớn; đồng thời cam kết không tăng giá và đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho các gói vaccine có vaccine cúm, cũng như những chính sách hỗ trợ khác cho khách hàng.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cũng cho biết, hiện vaccine phòng cúm đã có sẵn tại bệnh viện, có thể ngừa được 4 chủng cúm mùa lưu hành thường gặp. Vaccine được chỉ định cho người lớn và trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Người dân có nhu cầu có thể liên hệ để được tư vấn và đặt lịch hoặc đến trực tiếp đơn vị tiêm ngừa của bệnh viện.

Đ.P

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-phong-nguy-co-tre-gap-bien-chung-do-mac-cum-a-10299594.html