Trời mưa cho ướt lá cau
Mưa rả rích suốt đêm qua. Sáng dậy ra trước sân nhà, nhìn hàng cau ướt thẫm, ta bỗng mềm lòng. Có phải vì mưa, có phải vì vị ngòn ngọt của hương hoa cau làm ta bâng khuâng thương nhớ? Làng quê mình vẫn còn đó nét thuần hậu chất phác của nông thôn dẫu đã thời đại 4.0.
Nếu như cây đa đầu làng, lũy tre cuối xóm là biểu tượng thân quen của làng quê thì mỗi ngôi nhà, nơi khoảng sân rộng để phơi thóc lúa, rạ rơm ấy là hình ảnh thân thuộc hàng cau thẳng tắp. Hàng cau nhà mình cũng đã được trồng từ rất lâu. Trước thì cha giờ đến lượt ta và hy vọng vào con cái mai sau kế tục, mỗi khi có cây nào già cỗi chết đi sẽ tìm ngay cây non để thay thế. Thuở ấy, quê mình vườn rộng, hầu như nhà nào cũng trồng vài cây cau trước nhà. Trước ta cứ nghĩ đơn giản trồng cau cho tiện việc có lễ vật cúng đơm. Cùng với đó là quê mình tục ăn trầu của người Việt cổ vẫn được các bà, các mẹ duy trì với ý nghĩa miếng trầu là đầu câu chuyện. Hóa ra hàng cau trước ngõ nhà còn ý nghĩa nhiều hơn thế. Theo quan niệm phong thủy dân gian trong việc chọn đất làm nhà ở, ngoài thế đất còn phải xem hướng “chuối sau, cau trước”. Trước nhà, cau thường được chọn trồng chiếm ít diện tích đất, thân tròn nhỏ, có nhiều đốt, mọc cao và thẳng, lá ở tít trên phần ngọn. Cau thích nghi ánh sáng hướng Tây nếu trồng trước nhà hướng Nam, thanh lọc bớt khí nóng, lại đón được ánh sáng sớm mai mà không bị che chắn của hướng Đông để lấy gió mát vào nhà. Những cây cau thẳng, tàu lá xòe ra xạc xào gió đung đưa vừa thẩm mỹ vừa vươn lên trời đón bắt dương khí để tiếp thêm sinh khí cho ngôi nhà. Hàng cau không che khuất tầm nhìn ngôi nhà vừa có tác dụng như một hàng rào danh dự trấn giữ, che chở cho ngôi nhà. Thân cau nhiều đốt, thẳng tắp như cây trúc là biểu tượng cho người quân tử với tấm lòng ngay thẳng, sự hiên ngang, tinh thần vươn lên trong khó khăn. Hoa cau mềm mại, trắng muốt thoang thoảng thơm, rụng vương cả vào chum nước mưa đặt đầu hồi khiến lòng người sảng khoái, dễ chịu. Buồng cau sai trĩu quả nở ra từ một bẹ như mong ước về một sự sung túc, đoàn kết nghĩa tình cho mỗi gia đình. Dân gian đã ví: “Chị em gái như trái cau non...” là vì thế. Những cây cau trước ngõ nhà không chỉ là vị trí đắc địa tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành trong phong thủy gia đình mà nó còn là tín ngưỡng tự xa xưa gắn bó sâu sắc với sự phát triển của văn minh người Việt. Cây cau gợi ta nhớ đến câu chuyện sự tích trầu cau đầy thiêng liêng, cảm động trong những mối quan hệ gia đình. Từ thuở vua Hùng, người Việt đã có tục ăn trầu nên miếng trầu là đầu câu chuyện. Trầu cau là lễ nghi tối thiểu trong mọi văn hóa tâm linh của người Việt từ việc hiếu đến việc hỷ. Từ đối nội đến đối ngoại, từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay của con người đều có đĩa cau miếng trầu như khế ước làm tin. Cứ thế, cau trầu cứ quấn quýt, gắn bó với người dân quê như nợ, như duyên. Cau trầu kết mối tơ duyên “miếng trầu nên dâu nhà người”. Cau trầu nợ duyên trong chiếc quạt mo thằng Bờm, mẹ phe phẩy đưa ta vào giấc ngủ những trưa hè nồng oi. Cau trầu nợ duyên trong chiếc mo cau gói nắm cơm theo cha ra đồng những sáng tinh sương. Là chiếc gàu mo cha làm khéo léo, nhẹ nhàng để con thơ múc nước giếng làng. Là trò chơi còn đồng vọng tiếng cười lũ con nít khi thay nhau làm phu kéo mo cau. Hương cau trở thành một hình ảnh của hương vị tuổi thơ, hương vị làng quê để người đi xa thao thiết ngóng về: “Quê hương là đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng ngoài thềm” (Đỗ Trung Quân)... Cây cau thủy chung, gắn bó với người nông dân, với bao gia đình, bao công việc thôn quê. Cau quanh năm ra trái, chắt dinh dưỡng mà thơm thảo dâng cho người những buồng cau to tròn cho trọn vẹn những lễ nghi. Cau nhiều, ăn không hết, mẹ bổ cau ra để phơi khô dùng dần. Ngoài trái cau, mo cau ra, thân cau khi già cỗi chết đi bỗng trở nên cứng chắc được con người dùng làm các vật dụng hữu ích... Đặc biệt, người ta còn dùng cật cau vót nhọn để làm “dăm” (đinh) đóng cố định vào các loại gỗ mềm hơn. Rễ cau cũng là thành phần của một vài vị thuốc theo kinh nghiệm dân gian...
Tuổi thơ thôn quê hồi ấy lớn lên hồn nhiên cùng những niềm vui mộc mạc bên những gốc cau như thế. Mo cau đùm cơm đã còng queo trên gác bếp. Những đứa trẻ chơi đồ hàng, chơi kéo mo cau đã lấy vợ, lấy chồng. Hàng cau vẫn đứng đó, vẫn vươn mình đón gió, như “ngọn hải đăng” chỉ lối ta về...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/troi-mua-cho-uot-la-cau/28721.htm