Trọn vẹn niềm kính yêu Bác

Tháng 5 về, lòng mỗi người dân Việt Nam lại bâng khuâng, xúc cảm nhớ thương Bác Hồ - Người đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bác dẫu đã đi xa, nhưng những thế hệ người dân Việt Nam luôn trọn vẹn niềm kính yêu Bác.

Mỗi độ tháng 5 về nhắc nhớ những thế hệ người dân Việt Nam về kỷ niệm Ngày sinh nhật của Bác Hồ.

Mỗi độ tháng 5 về nhắc nhớ những thế hệ người dân Việt Nam về kỷ niệm Ngày sinh nhật của Bác Hồ.

Ngày 19/5/1890, trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn xứ Nghệ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã chào đời. Lớn lên trong cảnh đất nước rối ren, triều đình nhà Nguyễn bạc nhược, thực dân Pháp xâm lược nước ta, các phong trào yêu nước rơi vào bế tắc, thất bại... năm 1911, trên Bến cảng Nhà Rồng, chàng trai 21 tuổi Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Sinh Cung đổi tên thành Nguyễn Tất Thành) đã lên tàu đến Pháp - với khát vọng đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Hành trang theo người thanh niên ấy là đôi bàn tay không ngại lao động, khối óc trăn trở suy tư và một trái tim nhiệt huyết, đong đầy tình yêu nước.

Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, để đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc, Nguyễn Tất Thành đã bôn ba khắp thế giới. Người đi đến nhiều quốc gia, làm mọi công việc, gặp gỡ những con người lao động cùng khổ... Nỗi lòng người dân mất nước luôn trĩu nặng trái tim Người, như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng khắc họa: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Bác Hồ khi ấy đã đọc được Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người nhận ra: “Muốn cứu nước phải giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đó cũng là “kim chỉ nam” theo Người suốt hành trình làm cách mạng cho dân tộc Việt Nam. Cũng từ đây, người thanh niên Việt Nam yêu nước mang tên Nguyễn Ái Quốc.

Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó, Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Khi đã chắc chắn “con đường” phải đi, năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cùng với việc trực tiếp giảng dạy về con đường cách mạng cho thanh niên Việt Nam yêu nước, Người chuẩn bị mọi điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến năm 1930, Bác Hồ khi ấy là người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng.

Năm 1941, vừa tròn 30 năm bôn ba nước ngoài đi tìm con đường giải phóng dân tộc, Bác Hồ trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chỉ hai câu thơ nhưng nhà thơ Chế Lan Viên trong thi phẩm “Người đi tìm hình của nước” đã khắc họa thật đẹp hình ảnh của Bác ngày trở về và cả tương lai của cách mạng dân tộc: “Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa (ảnh chụp tại Di tích lịch sử địa điểm đón Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Yên Trường ngày 11/12/1961).

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa (ảnh chụp tại Di tích lịch sử địa điểm đón Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Yên Trường ngày 11/12/1961).

Trở về nước, sau khi thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), Nguyễn Ái Quốc lấy tên mới là Hồ Chí Minh - Người lãnh đạo Nhân dân ta làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, nơi Quảng trường Ba Đình lộng gió, trước đông đảo đồng bào cả nước, Bác Hồ đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản “Tuyên ngôn độc lập” với những lời lẽ hào hùng và đanh thép: “... Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, song thực dân Pháp vẫn chưa từ bỏ dã tâm cướp nước ta thêm một lần nữa. Vì vậy, tháng 12/1946, Bác Hồ đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Lời Bác Hồ năm đó vừa mộc mạc, giản dị mà hào hùng, sâu lắng, như lời nước non vang vọng, kết nối triệu triệu trái tim người Việt Nam yêu nước đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Bởi: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Và năm 1957, trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa - hậu phương huy động, cung cấp nhiều nhất sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Bác Hồ đã ngợi khen: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu bước ngoặt và cả đề ra những nhiệm vụ mới cho dân tộc Việt Nam. Từ đây, cùng với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sau thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã không giấu giếm mưu đồ xâm lược nước ta. Năm 1964, kẻ địch đã mở cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân. Một lần nữa, vận mệnh dân tộc lại đứng trước những thử thách cam go, đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải chung sức, đồng lòng để bảo vệ độc lập, tự do. Nhưng với tầm nhìn chiến lược của bậc lãnh tụ thiên tài, Bác Hồ tin rằng: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”.

Cho đến những năm tháng cuối cuộc đời, Bác Hồ kính yêu vẫn đau đáu những suy tư dành cho Tổ quốc, cho Đảng, cho Nhân dân... Tất cả dặn dò, hy vọng được Bác gửi gắm trong bản Di chúc.

Mùa xuân năm 1975, tên Bác Hồ đã được đặt cho tên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bác dẫu đi xa, nhưng trong lòng triệu triệu trái tim người Việt Nam, luôn có Bác.

Tháng 5 đã về - kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác, lòng mỗi người Việt Nam yêu nước, trân trọng hòa bình dâng trào niềm bâng khuâng xúc cảm.

Bài và ảnh: Trang Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tron-ven-niem-kinh-yeu-bac-36938.htm