Trọng bằng cấp, đa số học sinh tốt nghiệp THPT không muốn học nghề

Tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề trên địa bàn Hà Nội tăng hàng năm những vẫn đạt tỷ lệ thấp (năm 2023 đạt 18,5%). Nguyên nhân do tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân.

Hà Nội tiếp xúc cử tri chuyên đề về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Hà Nội tiếp xúc cử tri chuyên đề về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Ngày 19/6, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố”.

Báo cáo về tình hình thực hiện quy định pháp luật về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho hay, trên địa bàn thành phố hiện nay có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó có 311 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 68 trường cao đẳng, 58 trường trung cấp, 37 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 130 doanh nghiệp, các loại hình khác.

Về công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2020 - 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 369.114 học sinh tốt nghiệp cấp trung học cơ sở.

Trong đó, 26.010 học sinh vào học tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (tỷ lệ 7,05%); 31.572 học sinh vừa học văn hóa kết hợp học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chỉ tiêu dạy văn hóa (tỷ lệ 8,6%).

Đánh giá chung về công tác tuyển sinh đào tạo nghề, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho hay, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề trên địa bàn thành phố tuy có tăng hàng năm những vẫn đạt tỷ lệ thấp (năm 2023 đạt 18,5%).

Nguyên nhân do tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề.

Trong khi đó, Thủ đô là nơi tập trung nhiều trường đại học, các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học...

Tại hội nghị cử tri các quận, huyện bày tỏ đồng tình với việc thời gian qua, thành phố đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, giải quyết việc làm, song thực tiễn vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, vẫn cần thêm những chính sách phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề.

Cử tri các huyện Thường Tín, Gia Lâm, Thạch Thất, Phú Xuyên… đề nghị thành phố tăng kinh phí đào tạo, tập huấn an toàn lao động - nhất là ở các làng nghề truyền thống; cần đổi mới chương trình đào tạo nghề gắn với vị trí việc làm trong các doanh nghiệp; xem xét tăng mức hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo nghề ở các địa phương.

Tiếp thu các ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, thời gian tới, UBND TP sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thay đổi nhận thức của xã hội, nhân dân về công tác giáo dục nghề nghiệp, tránh tâm lý coi trọng bằng cấp rất nặng. Trong khi tốt nghiệp đại học khó tìm việc mà doanh nghiệp lại thiếu lao động có tay nghề cao.

Đặc biệt, thành phố cũng sẽ xác định đào tạo ngành nghề mũi nhọn đáp ứng xu thế phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng lộ trình mô hình các trường nghề, trong đó có 4 trường đào tạo chất lượng cao, bảo đảm điều kiện vận hành, kiểm định chất lượng; trang bị cơ sở vật chất cho các trường nghề công lập, quan tâm xứng đáng qua việc hỗ trợ chính sách đặc thù.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trong-bang-cap-da-so-hoc-sinh-tot-nghiep-thpt-khong-muon-hoc-nghe-post580184.antd