Trống đồng Đông Sơn miêu tả đời sống sinh hoạt của người Việt cổ

Trống đồng Đông Sơn là trống đồng có từ thời văn hóa Đông Sơn, cách nay hơn 2000 năm. Qua trống đồng, hậu thế biết được kỹ năng nghệ thuật và cuộc sống của người Việt Cổ.

Trống đồng Đông Sơn trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp. Ảnh Wikipedia

Văn hóa Đông Sơn được biết đến là nền văn hóa cổ xưa, trải dài trên diện tích rộng từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ. Có tài liệu cho rằng, còn tìm thấy nét đặc trưng của văn hóa Đông Sơn tại Thái Lan, Trung Quốc, Lào…

Văn hóa Đông Sơn tiếp nối các nền văn hóa trước đó, Văn hóa Phùng Nguyên Văn hóa Đồng Đậu, Văn hóa Gò Mun. Từ nền Văn hóa Đông Sơn đã sinh ra nhà nước Văn Lang, Âu Lạc.

Nhắc đến nền Văn hóa Đông Sơn, là nhắc đến trống đồng thời kỳ này - trống đồng Đông Sơn. Ở giữa trống đồng có ngôi sao nhiều cánh, tượng trưng cho mặt trời, thể hiện tín ngưỡng thờ thần mặt trời.

Trống đồng được sử dụng cho nhiều dịp, như tế thần, mai táng, sử dụng trong quân đội, báo hiệu ra trận, chôn theo người mất… Thời Lậu Lê, trống đồng cùng các nhạc cụ khác kết hợp diễn tấu trong hoàng cung. Trống đồng cũng được coi là biểu hiện cho sức mạnh của thủ lĩnh.

Quan sát trống đồng Đông Sơn cho hậu thế thấy được thêm một phần về đời sống sinh hoạt của người Việt cổ, như vẽ người, động vật, hình học, chữ người Việt cổ, người con trai giã gạo, các chiến binh trên thuyền…

Nói về trống đồng Đông Sơn, Nhà dân tộc học Tạ Đức cho biết: “Càng ngắm càng so sánh càng suy ngẫm, chúng ta càng hiểu vì sao, trong lịch sử, trống đồng Đông Sơn (còn gọi là trống Heger I) và hậu duệ của chúng (các dạng trống Heger II, III, IV) từng được coi là “ngôi nhà” của tổ tiên trong hội lễ; tiếng trống đồng là tiếng nói của tổ tiên; hình dáng và hoa văn trống là các biểu tượng của tổ tiên.

Cần nhấn mạnh rằng, đất nước ta, từ Văn Lang xưa đến Việt Nam nay, luôn là một nước của nhiều tộc người cùng khối Bách Việt. Trống đồng, dù có tên gọi thế nào, luôn là một tài sản chung của người Bách Việt thời Đông Sơn và của nhiều tộc người ở các thời sau. Vì thế, nhiều biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn cũng là gốc của nhiều biểu tượng văn hóa các tộc người ở Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á. Ví dụ, chị em của dạng khăn mỏ quạ Việt có thể thấy ở người Tày, Thái Đen; anh em của đình Việt là nhà rông Ba Na, nhà Gươl Katu...”

Vũ Đoàn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/trong-dong-dong-son-mieu-ta-doi-song-sinh-hoat-cua-nguoi-viet-co-a6105.html