Trong kỷ nguyên vươn mình, Việt Nam cần tích cực cải thiện năng suất lao động

Trong kỷ nguyên vươn mình, nếu không hành động quyết liệt, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu, bởi năng suất lao động hiện tại của Việt Nam mới chỉ bằng 62% của Thái Lan và 11% so với Singapore.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HanoiSME) tổ chức chiều 10/5, TS. Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HanoiSME cho biết, Việt Nam đang chứng kiến một trang sử mới mở ra cho dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Nhiều cơ hội cho Kỷ nguyên vươn mình

Theo ông Mạc Quốc Anh, từ một quốc gia chịu nhiều hậu quả chiến tranh, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ trong gần nửa thế kỷ qua. GDP bình quân đầu người đã tăng hơn 20 lần, từ khoảng 200 USD (1975) lên 4.284 USD (2023). Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, thuộc nhóm đầu khu vực ASEAN.

“Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm 97% tổng số DN đã khẳng định vai trò là trụ cột phát triển, với mức đóng góp hơn 45% GDP và tạo ra khoảng 65% việc làm. Không chỉ tập trung vào kinh tế, Việt Nam đang từng bước thực hiện các cam kết tăng trưởng Xanh. Với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đang ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%, chỉ số hạnh phúc xếp hạng 65/146 quốc gia là minh chứng cho tiến bộ xã hội toàn diện”, ông Mạc Quốc Anh khẳng định.

TS. Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HanoiSME

TS. Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HanoiSME

Các ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chính sách mở cửa hội nhập, tốc độ số hóa và lợi thế về dân số trẻ. Các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), Fintech, Edtech và công nghệ y tế là “mũi nhọn” tiềm năng đưa Việt Nam vươn cao trên bản đồ công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.

Ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA cho biết, nếu trước kia mô hình sản xuất của DN chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nhưng ngày nay, phương thức sản xuất số là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của DN và đây chính là điểm chuyển biến căn bản về tư duy và hành động. Trong kỷ nguyên của phương thức sản xuất số, việc ứng dụng các công nghệ mới nhất như AI vào kinh doanh sản xuất ngày càng trở thành yếu tố then chốt.

“AI là xu thế tất yếu, đòi hỏi DN nhanh chóng thích nghi để duy trì lợi thế cạnh tranh. DN cần phổ cập AI trong quản trị để nâng cao hiệu suất, xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu và đẩy mạnh chuyển đổi số với nền tảng điện toán đám mây tích hợp AI. Cùng với đó, các DN cần rà soát liên tục và có kế hoạch ứng dụng AI vào từng quy trình sẽ giúp tối ưu hiệu quả vận hành và quản lý”, Tổng Giám đốc MISA nêu luận điểm.

Ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA

Ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA

Hình thành liên minh hành động

Đứng trước Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, các chuyên gia tại tọa đàm cũng cảnh báo, nếu không hành động quyết liệt, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu. Bởi năng suất lao động hiện tại của Việt Nam mới chỉ bằng 62% của Thái Lan và 11% so với Singapore.

Ngoài ra, áp lực chuyển đổi Xanh, biến đổi khí hậu, dân số già hóa và sự phân hóa giàu - nghèo giữa đô thị và nông thôn tiếp tục là những thách thức lớn. Đáng chú ý khảo sát năm 2024 cho thấy, chỉ có khoảng 26% doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế, cho thấy dư địa cải thiện còn rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với các thị trường yêu cầu cao về môi trường, xã hội và quản trị DN (ESG).

Do đó, các tham luận tại tọa đàm cũng chỉ ra tầm nhìn phát triển quốc gia dựa trên ba trụ cột: Kinh tế tri thức và công nghiệp công nghệ cao; phát triển xanh và bền vững; văn hóa - con người và khát vọng vươn lên.

Tọa đàm “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”

Tọa đàm “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HanoiSME – TS. Mạc Quốc Anh, để hiện thực hóa khát vọng phát triển, Việt Nam cần hình thành một liên minh hành động rộng rãi, trong đó Chính phủ là “nhạc trưởng” kiến tạo chính sách, DN là chủ thể hành động, đổi mới. Ngân hàng, tài chính là nguồn lực phát triển; Viện nghiên cứu, trường Đại học là nơi cung cấp trí tuệ và giải pháp, người dân và cộng đồng là người tiêu dùng có trách nhiệm, đồng thời là lực lượng giám sát xã hội.

“Kỷ nguyên mới không chờ đợi chúng ta kịp thích ứng, nó chỉ gọi tên những ai dám ước mơ lớn và hành động quyết liệt. Hãy cùng nắm tay nhau, kiên định mục tiêu tăng trưởng bao trùm để “không một ai bị bỏ lại phía sau”, để mỗi đứa trẻ sinh ra tại Trường Sa, Mường Nhé hay Thủ đô Hà Nội đều được hưởng điều kiện phát triển tốt nhất”, TS. Mạc Quốc Anh mong muốn.

Nhằm tôn vinh chặng đường 3 thập kỷ đầy tự hào và ghi nhận những đóng góp to lớn của Hiệp hội và cộng đồng DN, sáng ngày mai (Chủ nhật - 11/5), HanoiSME tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (1995 - 2025) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Đây không chỉ là sự kiện trọng đại đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng, còn là dịp để HanoiSME tổng kết, nhìn lại chặng đường đã qua, đồng thời định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường hội nhập và phát triển bền vững.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/trong-ky-nguyen-vuon-minh-viet-nam-can-tich-cuc-cai-thien-nang-suat-lao-dong-post1198500.vov