Trồng lúa cải tiến chinh phục nông dân

Kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) đã và đang được nông dân tỉnh hồ hởi đón nhận. Chính việc thay đổi nhận thức và cách sản xuất sẽ góp phần tăng năng suất, giảm chi phí, lượng thuốc bảo vệ thực vật tạo ra sản phẩm an toàn hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

Trồng lúa cải tiến chinh phục nô

Kỹ thuật canh tác lúa SRI ở vùng đồng bào DTTS Bắc Bình.

Kỹ thuật canh tác lúa SRI ở vùng đồng bào DTTS Bắc Bình.

Lúa SRI theo hướng hữu cơ liên kết chuỗi

Từ chỗ xa lạ, bỡ ngỡ, giờ đây ở nhiều nông dân trong tỉnh thực sự bị các mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI chinh phục. Kỹ thuật này được nông dân trong tỉnh áp dụng từ năm 2016 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, đến nay không chỉ sản xuất lúa theo phương pháp SRI thuần túy, mà còn tiếp tục nâng tầm sản xuất lúa SRI định hướng hữu cơ liên kết chuỗi với giống lúa chất lượng cao ST24, ST25.

Lần đầu tiên, vụ lúa mùa năm 2020, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Lễ, xã Phan Rí Thành (Bắc Bình) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI hướng an toàn theo hướng hữu cơ liên kết chuỗi với 22 hộ tham gia, diện tích mô hình 14 ha. Anh Biện Phước Hiền trồng 7 sào ST24 ở lúa cánh đồng Chà Vầu phấn khởi nói: “Vụ sản xuất lúa mùa của gia đình không mấy thuận lợi khi vừa gieo sạ thì mưa nhiều bị ngập úng, vậy mà chỉ sau 2 đợt rải phân lúa hồi phục phát triển tốt, ít sâu bệnh. Làm lúa cải tiến mật độ gieo chỉ chừng 7 kg lúa giống/sào”.

Theo HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Lễ khẳng định: “Các hộ tham gia mô hình này sản xuất 2 giống lúa đang được đánh giá là ngon nhất thế giới đó là ST24 và ST25 theo quy trình SRI mang lại hiệu quả vừa tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón và đặc biệt tiết kiệm lượng nước tưới, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Lúa sau khi thu hoạch được doanh nghiệp thu mua nên bà con nông dân rất phấn khởi và sẽ triển khai nhân rộng mô hình thời gian tới”. Còn tại huyện Tánh Linh, HTX DVNN Đức Bình hiện sản xuất lúa theo hướng hữu cơ diện tích 10 ha, liên kết với cơ sở Đức Lan gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” để tiêu thụ. HTX này phát triển diện tích sản xuất bình quân khoảng 40 - 50 ha/năm, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến SRI các giống lúa chất lượng cao như Đài thơm 8, ST24, RVT, OM 5451... để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Theo tính toán của HTX, riêng lượng phân vi sinh an toàn bón lúa giảm 20 - 30% so với sản xuất thông thường.

Nhân rộng, tạo cơ hội cho nông dân

Những năm gần đây, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng, thiếu nước thường xuyên xảy ra. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thực nghiệm nhiều mô hình lúa SRI về mật độ và áp dụng tưới tiết kiệm nước ướt khô xen kẽ, gieo sạ thưa trong sản xuất lúa ở các địa phương như Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc cho thấy được lượng nước tưới được tiết kiệm rất lớn. Bình quân trồng lúa SRI tiết kiệm được 30 - 40% lượng nước tưới với khoảng 10.000 m3 nước /vụ.

Kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI mang lại lợi ích đáng kể cho người nông dân, góp phần hạn chế sự ảnh hưởng xấu của sản xuất nông nghiệp đến môi trường. Hàng năm Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhân rộng mô hình canh tác lúa theo SRI diện tích từ 50 - 100 ha/năm trong toàn tỉnh, định hướng đến năm 2025, diện tích lúa toàn tỉnh canh tác lúa theo phương pháp SRI sẽ đạt gần 4.000 ha. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 700 ha lúa SRI, nếu tính diện tích bà con tự nhân rộng áp dụng khoảng trên 1.000 ha. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục quan tâm, tạo cơ hội cho nhiều hộ nông dân được tham gia và thụ hưởng, góp phần đổi mới và hướng đến một nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Tám – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Năm 2020, trung tâm thực hiện các mô hình lúa theo SRI hướng hữu cơ liên kết chuỗi với giống lúa chất lượng cao ST25, quy mô 30 ha tại Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Năm 2021, trung tâm mở rộng triển khai kỹ thuật này cho vùng dân tộc thiểu số huyện Bắc Bình với quy mô 5 ha. Ngoài ra, tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này trên các vùng lúa trọng điểm như Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong.

Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/trong-lua-cai-tien-chinh-phuc-nong-dan-139939.html