Trong miền ký ức: Dư vị của bồng bồng…

Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nguồn: Internet.

1.Hồi xưa làm gì có chuyện lũ trẻ làng tôi phải đi học thêm như bây giờ. Nghỉ hè là sách vở xếp vào một xó, bắt đầu chuỗi ngày rong chơi bất tận - tất nhiên là vẫn phải phụ giúp gia đình việc đồng áng, quán xá.

Tối nào cũng vậy, sau khi lua nháo nhào bát cơm canh bữa chiều, cả bọn lại tụ tập về sân kho bày đủ trò nghịch ngợm, nào đá bóng, trốn tìm, bắn toe cho đến đánh trận, chọc chó, … - những trò chơi biến chúng tôi thành “lũ trời đánh thánh vật”, lũ “phá làng phá xóm” trong mắt người lớn.

Cũng phải thôi, vì trong thế giới trò chơi ấy, ăn trộm trái cây là… trò chơi cuốn hút bậc nhất. Cả bọn chia ra làm mấy tốp, lùng xục khắp làng để vặt về nào ổi, nhãn, mía, mít non, chuối xanh,… không từ thứ gì. Đi đến đâu là chó sủa váng làng trên xóm dưới đến đấy.

Trộm trái cây cũng phải “lành nghề”. Như là trộm mía, trộm ngô chẳng hạn, phải bẻ rụp một cái thật dứt khoát sát gốc cây, sau đó cầm gốc kéo cây mía, cây ngô đi lùi giữa hai luống ra thật nhanh. Trộm bưởi với quéo thì phải có cái móc uốn cong hình chữ U, buộc vào đầu gậy, chọc vào lớp vỏ, vặn xoắn một cái là quả rời cuống…

Hồi ấy cây trái ít, nên nhà nào cũng giữ gìn lắm, nhất là những thứ quả có thể mang ra chợ bán, đổi lấy lưng bò gạo hay bìa đậu phụ như mít, bưởi… Thế nên, cho đến bây giờ có dịp ngồi cùng nhau ôn lại “chiến tích” năm xưa, chúng tôi không khỏi bùi ngùi nhớ về những tiếng than thở, ca cẩm của các bà, các mẹ năm xưa khi những thứ quả được “thấng từng li từng tí” chờ ngày thu hoạch, bị lấy đi không thương tiếc, nào mít xanh, chuối xanh, bưởi xanh,… Rồi sáng ngày, phải chứng kiến những thứ quả xanh không ăn được, bị vứt vương vãi, khi thì góc chợ, lúc vệ đường, thậm chí ngay tại “đại bản doanh” sân kho của “lũ trời đánh thánh vật”.

Cũng lạ, những trận đòn lằn da hồi ấy cũng không sao hãm được cái cảm giác… phiêu lưu khi được đi trộm trái cây. Rõ ràng vườn nhà đầy ổi, thậm chí chín vàng, nhưng ổi xanh trộm được vẫn ngon hơn gấp bội. Quéo chua loét rụng đầy vườn không ăn, nhưng quéo trộm được thì nhìn thi nhau nhau nhai rau ráu, chua rùng mình mà vẫn phải cười đến giàn giụa nước mắt...

2. Nhà bà Bổng có cây bồng bồng cổ thụ, gốc phải 2-3 người ôm, mỗi đợt quả ra chi chít chì chịt. Cây bồng bồng này chỉ được cái to xác, quả nhiều, chứ vị không ngọt như nhiều cây bồng bồng khác trong làng. Có điều, với lũ “trời đánh” khi ấy, những chùm quả lúc lỉu kia ngon mắt hơn là ngon miệng.

Cây bồng bồng mọc giữa vườn - khu vườn rộng như sân bóng, được bảo bệ bằng hàng rào tre gai, dây mây và dứa dại chằng chịt, lại có con chó Vện canh gác, muốn trộm được không dễ. Nhưng không gì mà lũ trẻ làng tôi không thể.

Chiến thuật “dương Đông kích Tây”, được áp dụng. Một nhóm đứng nô giỡn ở cổng trước nhà bà Bổng, lại đốt cả rơm nướng mấy con cá rô đồng câu được hồi chiều. Sự ồn ào và mùi cá nướng thơm nức khiến con Vện xồ ra cửa sủa váng trời, bà Bổng cũng tất tả chạy ra cổng quát nạt đám trẻ đang đốt lửa khiến khói bay mù mịt.

Trong lúc ấy ở mạn sau vườn, một nhóm đã vạt được hàng rào tre gai tấn công cây bồng bồng. Hai đứa căng cái bì xác rắn, một đứa cầm sào chọc, quả rơi thành chùm lộp bộp, chỉ loáng cái đã đầy tú ụ.

“Đánh nhanh rút gọn”, có điều lúc chui ra khỏi vườn thì thằng Tí Chuột bị cành mây dài ngoằng sà xuống ngoắc gọn lưng áo, gai mây bấu cả vào da thịt, càng cựa, càng cố gỡ thì dây mây càng túm chặt nó lại, đau quá phải la toáng lên. Con Vện lúc này được chủ mở cổng, như hung thần đuổi đám trẻ chạy tán loạn, rồi nó phi thẳng về phía thằng Tí Chuột, ghìm người xuống, lông cổ dựng đứng, hàm răng trắng ởn nhe ra gầm gừ.

Bà Bổng vội vội vàng vàng chạy đến nạt con chó, nó lập tức đứng thỏng người, mỏm hướng về phía chủ sủa gâu gâu, đuôi ngoe nguẩy báo công. Vỗ yên con chó, bà Bổng mới tiến đến bảo thằng Tí Chuột đứng yên, vừa lựa gỡ dây mây cho nó vừa càm ràm “khổ tội, có mấy quả bồng bồng vừa chua vừa chát mà lấy mằn chi, rách áo, chảy máu ri thì đòn nát đít con ạ…”.

Bà Bổng đỡ thằng Tí Chuột ra, rồi vẫy gọi cả bọn đang đứng nép ở bờ tường đằng xa “mang cả bồng bồng vào đây, bà vừa rang mẻ ngô,… vào cả đây ăn với bà cho vui”.

Cả bọn líu ríu theo bà Bổng vào nhà. Căn nhà ngói ba gian với sân gạch rộng rãi sạch như li như lau, chỉ việc đánh bệt xuống nền mà đánh chén. Các con trai bà Bổng thành đạt lắm, nhưng đều công tác ở xa cả, cuối tuần hoặc vài tuần mới về. Con gái lấy chồng làng bên, năng qua nhưng cũng không mấy khi ngủ lại. Đổ mẻ ngô đang còn nóng hổi, thơm phức ra cái mẹt nhỏ, bà bảo “thích ăn thì xin bà cho, đi lấy vụng lấy trộm, nhỡ ngã què cẳng phải tội bà không?”. Đứa nào đứa nấy cười hề hề xin lỗi bà rồi bốc ngô nhai rau ráu, tiếng chạo nhau vang rổn rảng như tiếng rang ngô.

Từ đó, đám trẻ trong làng có thêm một “bản doanh” lý tưởng. Cũng không quê phụ giúp bà các việc lặt vặt như chẻ củi, thu rơm, phơi lúa. Có đám trẻ thường xuyên qua lại, căn nhà của bà Bổng cũng rộn ràng hơn.

Cây bồng bồng với khu vườn rộng ấy đến giờ vẫn còn. Chỉ căn nhà với người là đã đi về miền ký ức, nhưng vẫn nhắc nhớ chúng tôi rằng: Hạnh phúc rất dễ tìm, đó là khi ta thấu hiểu và sẻ chia.

Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-lang-chuyen-pho/trong-mien-ky-uc-du-vi-cua-bong-/28342.htm