Trong miền ký ức: Dư vị của nồi cháo trai...
Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời…
Làng tôi có cái mau to lắm, mà như lời các cụ kể là được hình thành sau một trận lũ lịch sử khiến vỡ đê sông Cái. Ven bờ mau có rất nhiều bến nước được kê, kè bằng những phiến đá to nhẵn. Mỗi sáng chiều, bến nước lại râm ran tiếng chuyện trò. Với lũ trẻ chúng tôi, thì những buổi trưa hè nơi bến nước với những cây sung cổ thụ cành nhánh sà trên mặt nước, là địa điểm tụ tập lý tưởng.
Sau những giờ nhào lộn, vùng vẫy thỏa thuê, chúng tôi thường lặn ngụp mò trai, trùng trục, vừa để thi tài với nhau vừa để có sản phẩm “nịnh” bố mẹ vì cái tội trốn nhà, trốn việc rong chơi cả buổi trưa.
Để bắt được trai, có đứa thì chọn vùng nước nông ven bờ, tay thì đẩy chậu, chân thì dò dẫm dưới bùn, chừng nào chạm vào thân con trai thì hụp xuống bắt. Ban đầu còn không phân biệt được đâu là cục đá, đâu là thân con trai, nhưng lâu dần thì “bách phát bách trúng”. Đứa nào dai sức hơn thì ra vùng nước sâu, dùng tay vục xuống bùn, vừa đẩy người đi vừa mò. Trai với trùng trục nhiều lắm, nên sau một buổi mò mẫm như vậy, đứa nào cũng kiếm được lưng chậu thau nhỏ. Gần như nhà đứa nào cũng có một cái vại to hoặc một cái chậu thau to để chứa trai, trùng trục, thậm chí cả ốc, hến.
Anh em nhà Cu Chíp ở thành phố, cứ nghỉ hè thì được về quê chơi chừng một tuần. Chúng nó trắng như cục bột ấy, quần áo lúc nào cũng sạch sẽ, thơm phức chứ không lam nham và đen xỉn như bọn tôi. Nhưng được cái chúng nó thích chơi với lũ trẻ nhà quê lắm; bọn tôi cũng thích nghe những câu chuyện phố phường, đọc những cuốn truyện tranh hay tranh nhau cái máy trò chơi điện tử màu vàng to bằng bàn tay mà chúng nó mang về.
Anh em nó bơi cũng tàm tạm, nhưng riêng cái khoản lặn để mò trai thì “kém tắm”, cả buổi chẳng mò được con nào. Hôm đấy là ngày cuối cùng anh em nó được ở quê, buổi trưa lại càng có lý do để trốn nhà ra bến nước tụ tập “nhảy cầu”, thi bơi, thi lặn… và mò trai.
Cu Chíp mò được con trai mén, bằng chừng hai ngón tay ấy, thế mà nó reo ầm ĩ như mò được vàng, nói sẽ mang về thành phố thả vào bể cá làm kỷ niệm. Thấy nó vui vậy, cuối buổi chẳng đứa nào bảo đứa nào, cả bọn nhặt ra những con trai to đẹp nhất, được cả một rổ đầy tú ụ, nói nó mang về thành phố làm quà, chia cho các bạn thành phố cùng nuôi. Anh em nó khệ nệ bê rổ trai về, cảm ơn rối rít, hai cái má trắng như miếng đậu phụ của chúng nó hồng lên như quả bồ quân.
Chiều đó, anh em Cu Chíp đèo nhau đến nhà từng đứa một mời đến nhà ông bà ngoại nó ăn bữa cơm chia tay. Đứa nào không gặp, thì Cu Chíp khoanh tay xin phép bố mẹ và nhắn nhất định bác phải cho bạn đến nhà cháu ăn cơm, có cháo trai ngon lắm…
Nhà ông bà ngoại Cu Chip có cái sân gạch rộng, nhiều đứa con gái trong làng trạc tuổi em gái Cu Chip buổi tối hay đến đây chơi thả đỉa ba ba, chúc chuyền, ô ăn quan… Hôm đó, đứa nào cũng chọn bộ quần áo lành lặn nhất, tươm tất nhất sang nhà Cu Chíp, đứa thì mang ngô rang, đứa khoai nướng, đứa ổi chín thơm lừng, lại có đứa chọn được những quả Vả căng mật mang sang làm quà cho bạn. Từ đầu ngõ đã ngửi thấy mùi hành phi thơm nhức mũi.
Ra là hôm đấy mẹ Cu Chíp vào bếp. Những con trai ban trưa, được cô lựa để nấu thành món trai xào rau răm xúc bánh đa vừng và một nồi cháo trai to đùng. Cô cảm ơn cả bọn đã chơi cùng anh em Cu Chip lại còn tặng những con trai to nhất, đẹp nhất, thế là thảo tính lắm. Cô còn bảo, người làng mình đi đâu cũng thảo tính như vậy đấy.
Nồi cháo trai hôm đấy được giải quyết hết veo trong tiếng xì xụp xen lẫn giọng cười giòn tan. Tôi cứ nhớ mãi nồi cháo trai hôm ấy, đượm hương vị thơm thảo bình dị của làng tôi, thứ hương vị mà người quê dù đi đâu, làm gì cũng luôn gìn giữ. Và bởi, hạnh phúc đến thật giản dị, là khi trao niềm vui sẽ được nhận lại lại tiếng cười.