Trồng nghệ xen quế- mô hình hiệu quả ở Đào Thịnh

Ông Nguyễn Trí Tuệ ở thôn 5 Khe Sấu, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên trồng cây nghệ từ tháng 2 năm ngoái.

Lãnh đạo xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên trao đổi với ông Nguyễn Trí Tuệ (bên phải) về việc phát triển, mở rộng diện tích trồng cây nghệ xen cây quế của gia đình.

Lãnh đạo xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên trao đổi với ông Nguyễn Trí Tuệ (bên phải) về việc phát triển, mở rộng diện tích trồng cây nghệ xen cây quế của gia đình.

Cây nghệ đến với ông Tuệ cũng hết sức tình cờ: "Thời điểm cuối năm 2021, trong dịp tôi đi tổng kết ở Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Quế hồi Việt Nam (Vina Samex) thì thấy có xe ô tô chở nghệ đến. Hỏi ra thì được biết doanh nghiệp mua nghệ từ tỉnh Bắc Kạn về. Hỏi kỹ hơn thì được biết doanh nghiệp chỉ mua nghệ được trồng trong vùng sản xuất hữu cơ. Rõ là hay, chúng tôi vẫn đang trồng quế hữu cơ bán cho doanh nghiệp đây. Vậy là tôi tính chuyện trồng cây nghệ xen cây quế”.

Nói là làm, ông Tuệ lập tức liên hệ với những người dân trong thôn có trồng nghệ để mua củ về trồng. Ông đã tìm mua được gần 4 tạ củ nghệ giống, lúc đó là 3 triệu đồng về trồng vào tháng 2/2022. Nghệ này ông trồng xen với diện tích trồng quế đã được 1 - 2 năm tuổi của gia đình.

Năm đầu tiên trồng nghệ cũng rất đơn giản, ông không bón lót phân lúc đầu. Suốt quá trình 1 năm từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch nghệ vào tháng 2 vừa rồi, chỉ có 3 lần ông Tuệ phát cỏ. Khi cây nghệ đã lên lá, việc làm cỏ hết sức dễ. Khi lá nghệ bắt đầu lụi, ngả xuống đất thì việc làm cỏ mới khó.

Điều thuận lợi trong vụ đầu tiên ông Tuệ trồng nghệ là không có sâu bệnh gì phát sinh, xuất hiện trên cây và cây nghệ cũng không hề kén đất.

Công ty Vina Samex thu mua củ tươi nghệ vàng là 7.000 đồng/kg, nghệ đỏ có giá cao hơn là 8.000 đồng/kg. Tháng 2 vừa rồi, thu hoạch vụ nghệ đầu tiên, ông Tuệ được 4 tấn củ tươi. Như vậy, thực tế cứ 1 tạ củ giống sẽ cho thu hoạch 1 tấn củ tươi.

Thu hoạch nghệ của nhà trồng thì ông phát hiện ra rằng lượng nghệ vàng nhiều hơn, bán cho Công ty chỉ được giá 7.000 đồng/kg. Ông Tuệ đã bán cho doanh nghiệp 1,7 tấn củ nghệ tươi, còn lại ông để trồng cho vụ mới vào tháng 2 năm nay và bán đi một chút ít. Sau một vụ nghệ đã cho thu hoạch và đã trồng xong vụ nghệ thứ hai, ông Tuệ dần có thêm kinh nghiệm.

Rút kinh nghiệm từ vụ đầu, ông đã bón lót bằng phân hữu cơ cho cây nghệ ngay từ lúc bắt đầu trồng. Hơn nữa, với lượng củ nghệ để lại trồng cho vụ này cũng được ông rút kinh nghiệm: "Tôi loại những củ nghệ vàng ra ngay, chỉ chọn trồng những củ nghệ đỏ”.

Nói về những lợi ích của việc trồng cây nghệ xen cây quế, điều đầu tiên ông Tuệ chia sẻ đó là có thêm một nguồn thu. Nếu so sánh trên cùng một diện tích canh tác, cùng một thời gian trồng và thu hoạch, cây nghệ cao gấp 5 lần là chắc chắn so với cây sắn về giá trị kinh tế mang lại cho người trồng. Đặc biệt, ở những đồi quế trồng xen cây nghệ luôn có màu xanh hơn ở những đồi quế khác. Thêm nữa là khi lá nghệ lụi, cứ để nguyên tại chỗ, vừa sạch cỏ vừa thành phân hữu cơ.

Ông Tuệ đã và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trồng nghệ xen quế. Ông cũng sẽ không trồng sắn nữa, nếu có cũng chỉ duy trì vừa đủ để làm thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, nhà ông có khoảng 20 ha quế. Muốn trồng xen nghệ với quế, với những đồi quế đã được 7 - 8 năm tuổi thì phải tỉa bớt cho quang.

Chia sẻ thêm về dự định phát triển diện tích trồng nghệ, ông Tuệ có nhắc tới điều kiện là phải có đủ 1 tấn củ tươi thì doanh nghiệp mới thu mua và phải trồng trong vùng sản xuất hữu cơ. Với ông, điều này không hề khó. Tuy nhiên, với những người dân trồng diện tích nhỏ lẻ hơn và không đáp ứng được điều kiện đó, ông sẵn sàng hỗ trợ để có đủ sản lượng nghệ bán cho doanh nghiệp mỗi lần, miễn là đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp đặt ra. Ông Tuệ nói, nếu làm được như vậy, cây nghệ sẽ đem đến cho người dân thêm một nguồn thu không nhỏ.

Nguyễn Thơm

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/28/297415/trong-nghe-xen-que--mo-hinh-hieu-qua-o-dao-thinh.aspx