'Trồng người' ở miền biên viễn Chí Cà

BHG - Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp lên xã biên giới Chí Cà, huyện Xín Mần. Dẫn chúng tôi đi thăm trường, cô Lê Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Chí Cà cho biết: Trường Mầm non Chí Cà có 8 điểm trường, trong đó có 2 điểm ở sát biên giới Việt – Trung, bậc học Mầm non nơi đây duy trì 289 cháu. Mặc dù điều kiện KT - XH còn nhiều khó khăn, nhưng công việc “trồng người” vẫn luôn được quan tâm đặc biệt...

Khởi công xây dựng nhà bếp ăn điểm trường Mầm non thôn Chí Cà Thượng, xã Chí Cà bằng vốn xã hội hóa.

Khởi công xây dựng nhà bếp ăn điểm trường Mầm non thôn Chí Cà Thượng, xã Chí Cà bằng vốn xã hội hóa.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là thôn Chí Cà Thượng, buổi sáng sớm đã tíu tít tiếng cô, trò. Điểm trường nằm chênh vênh trên sườn đất dốc, là nơi hứng gió 4 mùa. Người dân địa phương cho rằng nơi này nếu không có cô, trò cười nói thì quanh năm chỉ là gió thổi và sương mù trên độ cao khoảng 1.300 m. Điểm trường Mầm non Chí Cà Thượng có 6 cô giáo và một nhân viên phục vụ nấu ăn; có 3 lớp, 84 cháu trong độ tuổi đến học mỗi ngày. Từ khi nhà nước hỗ trợ cho trẻ ăn tại lớp, ngủ tại trường, các cháu đi học đều hơn, chất lượng hơn. Còn các cô giáo nuôi dạy thì vất vả từ sớm cho đến lúc trao lại trẻ cho cha, mẹ. Trải qua năm tháng, tuổi trẻ của các cô thì đi qua, đám trẻ thì lớn lên từng ngày, niềm vui là trông thấy đám học trò của bản ngày một khôn lớn.

Lên thôn Hậu Cấu, cách trung tâm xã Chí Cà 7 km, nằm áp sát cột mốc biên giới Việt – Trung số 188. Cô giáo Vương Thị Lan tâm sự: Hậu Cấu là nơi sinh ra, lớn lên thành danh của Chủ tịch HĐND huyện Xín Mần Hạng Kháy Vần. Còn lớp học mầm non của chúng em như viên gạch đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp “trồng người” dọc vùng biên viễn này. Chủ tịch HĐND huyện Xín Mần Hạng Kháy Vần nói với tôi: Nhờ có lớp học gắn bản ngày xưa đã cho anh khôn lớn, trưởng thành. Công đầu là của các cô giáo cắm bản. Cô giáo Vương Thị Lan chỉ tôi xem những cây đào cằn cỗi bám biên đã lốm đốm những bông hoa phớt hồng, cô nói mùa Xuân đang tới rất gần rồi đấy.

Học sinh điểm trường mầm non thôn Chí Cà Thượng.

Học sinh điểm trường mầm non thôn Chí Cà Thượng.

Cô giáo Lan ở điểm trường Hậu Cấu hôm nay chính là cô bé Lan của Hậu Cấu ngày nào đến lớp học mầm non của bản. Lớp học mầm non của cô Lan hiện có 24 cháu, mọi việc dạy dỗ, học hành, ăn, nghỉ trong ngày tại lớp một tay cô lo. Phải giúp các cháu lớn khôn từng ngày, cho chúng ăn, chúng học con chữ từng nét để chúng lớn khôn. Ước mong sau này, cả đám trẻ trong lớp học của cô Lan trưởng thành làm cán bộ, giáo viên rồi trở về bản dạy chữ, làm cán bộ giúp dân để cho biên giới bừng sáng lên từng ngày.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Xín Mần Vũ Thị Hòa cho biết: Năm học 2023 - 2024, cả huyện có 56 đơn vị trường học, 811 nhóm, lớp học và 19.066 học sinh. Riêng phía Bắc có 9 xã thì 4 xã nằm dọc biên giới vô cùng khó khăn. Năm học này, bậc học mầm non có 285 nhóm, lớp, 5.268 cháu đi học và được nuôi ăn, học tại trường; tỷ lệ học sinh mầm non đi học đạt trên 97%. Nhìn con số huy động trẻ trong độ tuổi mầm non, nhóm trẻ đến trường tại Xín Mần thật sự là một kỳ tích. Kỳ tích đó là công lao không thể đong đếm từ đội ngũ cán bộ, chính quyền và các thầy, cô giáo huyện Xín Mần. Nhìn đám trẻ vui tươi trong lớp học ở thôn Hậu Cấu, tôi cảm nhận rằng: Các cô giáo nơi biên thùy này thật anh hùng; họ đã vượt qua mọi khó khăn đời thường, bám lấy dân, bám bản, bám lấy biên cương Tổ quốc kiên trì đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp “trồng người”.

Tạm biệt biên giới, tôi mang theo niềm tự hào về các thầy, cô giáo và nhiều kỳ vọng về tương lai của những đứa trẻ tới trường mỗi ngày.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202312/trong-nguoi-o-mien-bien-vien-chi-ca-edb6a14/