Trồng rau gia vị cho hiệu quả kinh tế cao

Những năm gần đây, tại các vùng có diện tích trồng rau, củ, quả lớn, bên cạnh các loại cây trồng như bắp cải, cà chua, rau cải, xà lách, người dân đã cải tạo đất phát triển các loại rau gia vị. Với ưu điểm chi phí đầu tư ít, thị trường tiêu thụ ổn định, lại cho thu hoạch quanh năm, mô hình trồng rau gia vị đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Người dân thị trấn Thiệu Hóa thu hoạch rau gia vị.

Trên cánh đồng trồng rau an toàn thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), diện tích trồng rau gia vị được nhân rộng qua từng năm, trải dài màu xanh với hương thơm dễ chịu. Trên tay chiếc liềm nhỏ, những người nông dân đang thoăn thoắt cắt rau, sau đó bó thành từng bó nhỏ và cho vào bao tải để bán cho thương lái. Vừa thu hoạch, ông Phùng Văn Dũng, chia sẻ: "Từ kinh nghiệm nhiều năm trồng rau an toàn, tôi đã cải tạo 3 sào đất trồng thêm các loại rau gia vị như rau dăm, hành, rau húng, tía tô... áp dụng các kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Các loại rau gia vị thường ít sâu hại hơn các loại rau khác. Đây là rau thường được ăn trực tiếp không qua chế biến nên người trồng phải chú trọng việc chăm bón, không sử dụng các loại thuốc trừ sâu hóa học. Trồng rau gia vị chỉ mất khoảng 1 tháng có thể cho thu hoạch, sau đó, người dân lại tiếp tục tưới nước, bón phân hữu cơ vi sinh, sau 20 ngày có thể thu hoạch đợt tiếp theo".

Trước đây, người dân ở thị trấn thường trồng các loại rau gia vị trong vườn nhà, thấy thu nhập khá và quanh năm nên nhân rộng tại vùng sản xuất rau màu tập trung. Mặc dù giá bán lúc lên lúc xuống, có loại đắt, rẻ tùy từng thời điểm, nhưng trồng rau gia vị vẫn cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần so với các loại rau màu truyền thống. Những năm gần đây, cùng với việc phát triển diện tích rau gia vị, người dân cũng đã chú trọng đảm bảo chất lượng trước khi xuất bán ra thị trường. Ở địa phương, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng cũng tích cực tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ sinh học, phòng trừ sâu bệnh hại, các mô hình sử dụng bẫy bả, bẫy dính để thu hút và tiêu diệt côn trùng gây hại...

Với nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, thu hoạch quanh năm, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần so với cây rau màu truyền thống, mô hình trồng rau gia vị đã góp phần mở hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, trước khi đưa vào gieo trồng, người dân cần tìm hiểu đặc điểm thổ nhưỡng, thời tiết để lựa chọn loại rau phù hợp. Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng tập huấn khoa học - kỹ thuật để nâng cao trình độ sản xuất của các hộ dân, hướng đến sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/trong-rau-gia-vi-cho-hieu-qua-kinh-te-cao-216924.htm