Trồng rau, hoa ở xứ cà phê

Nam Hà, vùng đất thuộc khu kinh tế mới Hà Nội vốn là vùng chuyên canh cà phê, với những sườn đồi bạt ngàn đất bazan màu mỡ. Hôm nay, người Nam Hà đang chuyển dần cơ cấu cây trồng, thêm vào sắc xanh cà phê là màu xanh non của rau, màu vàng của cúc, hoàng anh, màu tím thạch thảo…

Việc tham gia Tổ hợp tác rau, hoa đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên

Việc tham gia Tổ hợp tác rau, hoa đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên

Năm 2022, gia đình chị Hoàng Thị Liên, Thôn Hai Bà Trưng, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà đón một cái Tết cổ truyền thực sự vui. Vì diện tích hoa cúc của chị nở đúng đợt và bán được với giá rất tốt, mang lại nguồn thu lớn cho cả gia đình. Cùng niềm vui với chị Liên là gia đình chị Phạm Thị Tâm, cũng thuộc Thôn Hai Bà Trưng. Nhà chị Tâm trồng hoàng anh, một giống cây bụi họ cúc và cũng rất được giá, chị cắt bán phục vụ thị trường, mang lại thu nhập thường xuyên.

Giống như chị Cúc, chị Liên, nhiều chị em trong Tổ hợp tác rau, hoa công nghệ cao Thôn Hai Bà Trưng, xã Nam Hà đều chan chứa niềm vui với những vườn rau, vườn hoa mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Chị Tạ Thị Mão, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: “Tổ hợp tác rau, hoa Thôn Hai Bà Trưng có 15 thành viên, tất cả đều là chị em phụ nữ cùng thôn. Trước đây, các thành viên đều trồng cà phê, thấy vất vả quá nên chúng tôi tập hợp, chuyển một phần diện tích sang trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao. Và kết quả ban đầu đã cho thấy hiệu quả khá tốt”.

Vốn là vùng đất mới, trước nay cư dân Nam Hà chủ yếu chuyên canh cây cà phê. Nhưng giá cả, chi phí đầu tư chăm sóc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thu hoạch của cây cà phê đều gây sức ép lớn đối với các nông hộ. Vì vậy, năm 2019, các chị lập thành tổ hợp tác, cùng chia sẻ, đoàn kết trồng rau, hoa. Chị Tạ Thị Mão cho biết, ban đầu việc cải tạo vườn khá khó khăn do chi phí, dù vậy, chị em đều động viên, hỗ trợ nhau quyết tâm thay đổi. Trục từng gốc cà, sử dụng phân hữu cơ cải tạo đất, dần dần những vườn rau, vườn hoa cũng ra dáng, ra hình. Trong tổ, hầu hết là trồng rau, hoa trong nhà lưới, có hệ thống tưới tự động. Với các loại hoa trồng ngoài trời như thạch thảo, hoàng anh, các chị cũng bắt hệ thống chiếu sáng, hệ thống tưới tận gốc. Đầu tư ban đầu lớn nhưng chi phí ấy giúp việc chăm sóc dễ dàng, tiết kiệm công lao động và đảm bảo rau, hoa được chăm sóc đúng kỹ thuật. Trong tổ hợp tác, mỗi chị canh tác một loại nông sản, người chuyên trồng bông cúc, người trồng hoàng anh, thạch thảo, thiên điểu, người trồng cà chua, sú, rau ăn lá… Mỗi người trồng một loại nông sản cung ứng ra thị trường, đảm bảo khách hàng có sự chọn lựa đa dạng. Chị Mão cho biết: “Nói chung chị em đều chăm sóc rau, hoa rất tốt, cây lớn rất mạnh. Thương lái vào tận vườn thu hoạch nên đầu ra rất yên tâm. Trồng rau cho thu nhập tốt hơn cà phê rất nhiều, thời gian thu hoạch lại ngắn nên gia đình có thu nhập thường xuyên, rất ổn định”.

Chị Hoàng Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Hà cho biết, năm 2019, khi Tổ hợp tác rau, hoa Thôn Hai Bà Trưng được thành lập, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ chị em 150 triệu đồng để phát triển sản xuất. Nguồn hỗ trợ ấy, chị em cho vay luân phiên để đầu tư vào vườn rau, vườn hoa. Mỗi chị em được vay 30 - 50 triệu đồng mua phân bón, đầu tư thêm cuộn dây, béc tưới…, giúp việc chăm sóc thêm dễ dàng. Vốn cho vay có thu lãi suất tượng trưng, nguồn lãi được đưa vào phục vụ sinh hoạt của tổ. Vào năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, chị em tổ hợp tác đã tăng cường trồng rau ngắn ngày để hái hỗ trợ cho vùng dịch với giá 0 đồng. Đây cũng là tình cảm của chị em Nam Hà với bà con gặp khó khăn. Tới nay, khi nhu cầu rau, hoa đi vào ổn định, chị em quyết tâm đoàn kết, cùng phấn đấu để cung cấp cho thị trường những cây rau, cây hoa chất lượng, mang lại thu nhập tốt cho gia đình.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202203/trong-rau-hoa-o-xu-ca-phe-3108965/