Trọng tâm là phiên thảo luận về kinh tế - xã hội
Trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội dành hai ngày rưỡi để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Quốc hội dành hai ngày rưỡi để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Ảnh: quochoi.vn
Phiên thảo luận về KT-XH được phát thanh, truyền hình trực tiếp
Nội dung quan trọng trong tuần làm việc thứ 2 (từ ngày 28/10-1/11), Quốc hội sẽ dành hai ngày rưỡi (từ sáng 30/10 đến hết sáng 1/11) để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Cuối phiên thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Năm 2019, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro; ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội cho thấy, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát; đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều có chuyển biến rõ nét.
Các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh canh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, yếu kém và đất nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nổi lên là kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc; tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm; trong đó có một số công trình hạ tầng trọng điểm theo Nghị quyết của Quốc hội.
Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm; việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém còn gặp nhiều khó khăn... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường còn những bất cập; đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Chất lượng y tế cơ sở chưa cao; tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… còn xảy ra ở một số địa phương. Sử dụng đất đai, tài nguyên vẫn còn lãng phí ở nhiều nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương trong khi nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn bất cập; thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả; tình hình trật tự an toàn xã hội, tội phạm trên một số địa bàn diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng. Tình trạng tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội còn nhiều, chưa kịp thời xử lý nghiêm. Bảo vệ chủ quyền biển đảo gặp nhiều khó khăn, thách thức...
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, những hạn chế, tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu tinh thần quyết tâm, chưa đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế. Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục thực hiện công tác xây dựng pháp luật
Trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội cũng sẽ tiếp tục tiến hành thực hiện công tác xây dựng pháp luật và một số nội dung quan trọng khác.
Ngày 28/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự án Luật này.
Tiếp đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự kiến, Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ được biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này.
Trong tuần, Quốc hội cũng sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại Tổ về các nội dung này.
Phiên làm việc chiều ngày 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước và việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015. Cuối phiên thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cũng trong tuần làm việc thứ hai, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019 trước Quốc hội.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trong-tam-la-phien-thao-luan-ve-kinh-te--xa-hoi-post69767.html