Trừ điểm giấy phép lái xe: tạo sức răn đe tránh nhờn luật

Bộ Công an đề xuất áp dụng trừ điểm giấy phép lái xe. Nhiều người dân cho rằng, việc trừ điểm bằng lái xe sẽ giúp người vẫn có thể tham gia giao thông sau khi vi phạm, tuy nhiên, cũng đủ sức răn đe do không ít người sợ phải mất thời gian đi thi lại luật.

Mỗi bằng lái có 12 điểm

Tại Điều 57 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có đề xuất điểm giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, gồm 12 điểm.

Người lái xe có hành vi vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe theo quy định của Chính phủ. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.

Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.

Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Giấy phép lái xe mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.

Như vậy, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất điểm giấy phép lái xe như trên dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/1/2025. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe.

Về nguyên nhân đề xuất trừ điểm bằng lái xe, Bộ Công an cho rằng tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét.

Trung bình hằng năm, lực lượng CSGT xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) trên 500.000 trường hợp. Tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao, không ít vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người.

Trong khi đó, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế, còn hình thức. Việc quản lý người lái xe sau khi sát hạch, cấp GPLX đang bị buông lỏng. Do đó, việc trừ điểm GPLX vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên người dân chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tạo ý thức chấp hành nghiêm chỉnh

Nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi lần bị trừ điểm được coi như tiếng chuông cảnh báo, giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn. Hiện nay, không ít người có tư tưởng nhờn luật, sẵn sàng nộp phạt khi vi phạm luật giao thông.

Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, trừ điểm bằng lái xe sẽ tạo cho tài xế có ý thức chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh hơn, bởi họ sợ hơn sau mỗi lần bị trừ hết điểm dẫn đến phải học lại, thi sát hạch lại.

Hiện nay, Bộ Công an và các bộ, ngành đã có sự liên thông về dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc quản lý người lái xe trên môi trường điện tử thông qua số định danh điện tử và căn cước gắn chíp là một lợi thế. Hơn nữa, biển số xe cũng đã được định danh cá nhân. Bởi vậy, việc trừ điểm bằng lái xe không khó để có thể thực hiện ở Việt Nam.

“Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể, chi tiết về việc mỗi điểm trên bằng lái xe tương ứng với các lỗi vi phạm như thế nào. Cần quy định rõ lỗi nào sẽ bị trừ điểm, lỗi nào không bị trừ điểm hoặc nhiều lỗi cộng gộp lại mới bị trừ một điểm” - chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho hay.

Theo chuyên gia này, việc trừ mỗi điểm trên bằng lái xe cần được xây dựng theo quy chuẩn của pháp luật. Khi đó, cơ quan quản lý mới đánh giá được lỗi đó sẽ bị trừ bao nhiêu điểm.

Anh Nguyễn Thanh Long, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Theo quy định hiện hành, nếu tài xế vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 24 tháng. Trường hợp bị tước bằng lái, khiến tài xế không được điều khiển phương tiện, gây ảnh hưởng đến đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Việc tước bằng lái cũng đang thực hiện thủ công nên nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy”.

Việc trừ điểm bằng lái xe sẽ giúp người vẫn có thể tham gia giao thông sau khi vi phạm tuy nhiên cũng đủ sức dăn đe do không ít người sợ phải mất thời gian đi thi lại giấy phép.

Anh Lê Văn Nam, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, việc trừ điểm bằng lái xe rất thuận tiện cho cả người dân lẫn cơ quan quản lý. Tuy nhiên, thủ tục trừ và phục hồi điểm giấy phép lái xe cần được tiến hành đơn giản, không phiền hà cho người vi phạm. Hệ thống dữ liệu tự động trừ điểm người vi phạm, cũng không cần gặp trực tiếp cơ quan chức năng, để tránh phát sinh tiêu cực.

Nhiều quốc gia đã triển khai hệ thống tính điểm đối với GPLX. Ở Trung Quốc, mỗi GPLX có 12 điểm/năm, nếu bị trừ hết thì sẽ bị đình chỉ lái xe. Để được cấp lại GPLX, người vi phạm phải nộp đơn xin cấp mới và thi lại lý thuyết.

Cũng tại Singapore, người điều khiển phương tiện được cấp GPLX gồm 12 điểm mỗi năm, nếu bị trừ hết số điểm cũng sẽ bị thu hồi GPLX. Bên cạnh phạt điểm, Singapore có hệ thống "ân xá" cho những người chấp hành tốt quy định giao thông.

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tru-diem-giay-phep-lai-xe-tao-suc-ran-de-tranh-nhon-luat.html