Trùm Wagner và vai trò ở Niger sau cuộc đảo chính

Các báo cáo từ Niger về việc các công dân Niger giương cờ Nga và hô vang 'Wagner' đã được lan truyền trong tuần qua kể từ khi Tổng thống Mohamed Bazoum của nước này bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.

Quân đội Niger ngày 26.7 đã đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Mohamed Bazoum, người được cho là đã bị bắt giữ từ ngày 19.7. Hai ngày sau đó, tướng Abdourahamane Tchiani - người dẫn đầu cuộc đảo chính tuyên bố lên nắm quyền trong sự phản ứng mạnh mẽ của châu Âu và Nhóm cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS).

ECOWAS đã ra tối hậu thư đòi quân đội Niger trao trả quyền lực trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, chính quyền quân sự 2 nước láng giềng Mali và Burkina Faso, vốn ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger, cũng đã cảnh báo sẽ tham chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự.

Nhóm binh sĩ Niger đọc thông báo trên truyền hình sau khi tiến hành đảo chính - Ảnh: ORTN

Nhóm binh sĩ Niger đọc thông báo trên truyền hình sau khi tiến hành đảo chính - Ảnh: ORTN

Đáng chú ý, một nhân vật khác ủng hộ cuộc đảo chính trên là ông trùm Wagner, Yevgeny Prigozhin. Người cầm đầu tập đoàn lính đánh thuê Nga đã hoan nghênh việc tướng Abdourahamane Tiani nắm quyền, mô tả đó là một động thái chống lại "thực dân Pháp" trong một tin nhắn thoại Telegram.

Prigozhin khẳng định lực lượng của ông không liên quan đến cuộc đảo chính ở Niger, song gợi ý rằng chiến binh của ông có thể cung cấp các dịch vụ an ninh.

"Những gì đã xảy ra ở Niger không gì khác ngoài cuộc đấu tranh của người dân Niger chống những kẻ thực dân. Những kẻ thực dân cố gắng áp đặt quy tắc của họ, duy trì điều kiện và tình trạng như châu Phi hàng trăm năm trước", trích tin nhắn thoại của ông Prigozhin được đăng ở tài khoản liên quan đến Wagner trên Telegram hôm 27.7.

Theo truyền thông phương Tây, hiện không có bằng chứng nào cho thấy Điện Kremlin hay Wagner có liên quan đến cuộc lật đổ quân sự. Nga đã mô tả tình hình là "gây lo ngại nghiêm trọng".

Cuộc đảo chính ở Niger “đổ thêm dầu vào lửa” cho xung đột Nga - phương Tây

Binh biến ở Niger diễn ra khi phong trào tẩy chay Pháp đang gia tăng ở châu Phi khi một số nước ở lục địa đen xoay trục sang Moscow.

Mali và Burkina Faso - thuộc địa cũ của Pháp, đang ngày càng bày tỏ giận dữ với các quốc gia châu Âu. Chính quyền quân sự ở Mali hoan nghênh Wagner, trong khi giới lãnh đạo quân sự của Burkina Faso đã trở nên thân thiết với Nga và trục xuất hàng trăm người lực lượng Pháp.

Người biểu tình Niger tại thủ đô Niamey ủng hộ lực lượng đảo chính ngày 30.7 - Ảnh: Reuters

Người biểu tình Niger tại thủ đô Niamey ủng hộ lực lượng đảo chính ngày 30.7 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 28.7 đã lên án mạnh mẽ việc quân đội tiếp quản Niger và nói rằng diễn biến mới gây ra mối đe dọa cho toàn bộ khu vực. Pháp và Mỹ duy trì các căn cứ ở Niger, một trung tâm quan trọng cho các nỗ lực quốc tế chống lại các phần tử thánh chiến ở vùng Sahel của châu Phi.

Hôm 2.7, các chính phủ châu Âu tiếp tục sơ tán công dân của họ khỏi Niger. Các lãnh đạo quốc phòng từ khối chính trị và an ninh khu vực của Tây Phi sẽ gặp nhau tại Abuja, thủ đô Nigeria, để thảo luận về cuộc đảo chính.

Zev Faintuch, nhà phân tích tình báo cấp cao của công ty bảo mật Global Guardian cho Newsweek biết: “Nếu cuộc khủng hoảng Niger biến thành một cuộc xung đột quân sự, ta có thể thấy khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm có thể là giữa Nga và phương Tây”. Tuy nhiên, ông tin rằng kịch bản ấy khó xảy ra vào lúc này.

“Kịch bản rủi ro có thể xảy ra bao gồm việc Pháp và Mỹ hỗ trợ liên minh chống đảo chính do Nigeria và Cộng hòa Tchad dẫn đầu. Trong khi đó, chính quyền quân sự Niger có thể mời Mali cùng lực lượng Wagner tham chiến”, ông Faintuch nói và cho biết thêm rằng Wagner sẽ cần một "cái cớ chính trị" để chuyển đến Niger. Điều này có thể gồm cả sự can thiệp quân sự của Tchad hoặc Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), với sự hỗ trợ tối thiểu từ Pháp.

Tầm quan trọng của trùm Wagner

Theo truyền thông phương Tây, lãnh đạo tập đoàn Wagner Prigozhin dường như có quyền tự do đi lại, bất chấp cuộc nổi loạn của ông ta chống lại Nga hồi tháng 6 và thỏa thuận được cho là buộc ông ta phải đến Belarus.

“Sự hiện diện của Wagner trong khu vực châu Phi cực kỳ quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Nga. Về lâu dài, Tổng thống Vladimir Putin coi châu Phi là tương lai của Nga bởi khu vực này có dân số ngày càng tăng, nguồn tài nguyên phong phú và nhiều cơ hội phát triển kinh tế mà Moscow có thể hưởng lợi”, chuyên gia Faintuch nói.

Moscow đã tìm cách củng cố những mối quan hệ đó tại hội nghị thượng đỉnh châu Phi - Nga vào tuần trước, nơi có 17 nguyên thủ quốc gia châu Phi tham dự.

Vào thời điểm đó, Prigozhin nói với một hãng tin châu Phi rằng Wagner đã sẵn sàng tăng cường sự hiện diện của mình ở lục địa này. Hiện lực lượng Wagner vẫn có ảnh hưởng ở châu Phi, đặc biệt ở Mali - nước láng giềng của Niger kể từ cuộc đảo chính năm 2021, trong khi họ cũng có sự hiện diện lâu dài hơn ở Cộng hòa Trung Phi và Libya. Vai trò của Wagner ở châu Phi là một mối lo ngại gia tăng đối với các chính phủ phương Tây, bao gồm cả Pháp và Mỹ.

Niger ngày càng phẫn nộ với Pháp

Dù Nhà Trắng đã nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga liên quan đến cuộc đảo chính ở Niger, sự xuất hiện của cờ Nga trong các cuộc biểu tình được coi như biểu tượng của khuynh hướng chống phương Tây đang nổi lên ở nước này.

Người biểu tình ở Niger hô hào khẩu hiệu phản đối Pháp hôm 30.7 - Ảnh: Reuters

Người biểu tình ở Niger hô hào khẩu hiệu phản đối Pháp hôm 30.7 - Ảnh: Reuters

“Giới trẻ của Niger gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm do tham nhũng và nhiều vấn đề xã hội. Sự thất vọng này quy về nước Pháp, vì Paris ủng hộ chính quyền Tổng thống Bazoum", nhà nghiên cứu Florence Boyer, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Pháp, nhận định.

Olayinka Ajala, một chuyên gia về khu vực này, giảng viên chính trị cấp cao tại Đại học Leeds Beckett (Anh) cho rằng: “Vấn đề then chốt trong cuộc đảo chính là sự phẫn nộ đối với Pháp ở Niger, bởi vì trong nhiều năm qua họ không thấy bất kỳ lợi ích thực sự nào khi có Pháp làm đồng minh”.

“Việc Pháp hiện diện quân sự lớn đã không thực sự ngăn chặn được các cuộc nổi dậy trong nước. Người dân Niger tự hỏi rằng việc có tất cả các doanh trại và căn cứ quân sự này để làm gì khi không có sự phát triển kinh tế nào đáng kể? Họ cảm thấy rằng nếu họ có thể hướng nhiều hơn tới Nga hoặc Trung Quốc, họ thực sự có thể có triển vọng kinh tế tốt hơn”, Ajala cho hay.

Nhóm Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã đe dọa sử dụng vũ lực để dập tắt cuộc đảo chính, trong khi chính quyền quân sự Guinea cũng như Burkina Faso và Mali đang tìm cách thành lập một liên minh quân sự. Họ đã tuyên bố rằng sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Niger sẽ được coi là một lời tuyên chiến chống lại họ.

Chuyên gia Ajala cho biết các nhà lãnh đạo mới của Niger có thể sử dụng triển vọng gia nhập liên minh quân sự này như một đòn bẩy nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng. Họ cũng có thể mời tập đoàn Wagner tham gia để chống lại cuộc nổi dậy của người Hồi giáo trong nước, điều này có thể dẫn đến sự gia tăng ảnh hưởng của Nga ở Niger.

Hoàng Vũ (theo Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trum-wagner-va-vai-tro-o-niger-sau-cuoc-dao-chinh-202924.html