Trưng bày di sản văn hóa Mường tại Hải Phòng
Du khách và người dân cũng sẽ được tìm hiểu về giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, như: Nghệ thuật Chiêng Mường, Mo Mường, Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre), Lễ hội Khai Hạ...
Hôm nay (10/5), tại Bảo tàng Hải Phòng, Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình”. Buổi trưng bày chuyên đề diễn ra từ 10/5-10/6/2023, giới thiệu hơn 250 tài liệu, hiện vật gốc và các tài liệu bổ trợ, phản ánh những nét đặc trưng trong văn hóa của người Mường tỉnh Hòa Bình, như: Cồng chiêng, trống đồng, các nghề truyền thống, trang phục…
Du khách và người dân cũng sẽ được tìm hiểu về giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, như: Nghệ thuật Chiêng Mường, Mo Mường, Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre), Lễ hội Khai Hạ (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia) và có cơ hội hòa mình cùng những bản nhạc, những câu hát, điệu múa; thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Mường như: rượu cần, cơm lam, cỗ lá…
Ông Nguyễn Bá Thanh Long, Phó Chủ tịch thường trực Hội cổ vật Hải Phòng cho biết: "Những hiện vật mà Bảo tàng Hòa Bình đưa xuống trưng bày tại Hải Phòng là những hiện vật tiêu biểu, nói lên di sản đặc thù, cốt lõi của một nền văn hóa dân tộc. Đây là sự kiện đặc biệt đầu tiên có sự phối hợp giữa hai Sở Văn hóa, hai bảo tàng; ngoài việc giúp người dân hiểu sâu thêm về sắc thái văn hóa các địa phương, rộng hơn nữa còn là sự kiện gắn kết thắm thiết giữa địa phương Hòa Bình và Hải Phòng trong giao lưu văn hóa".
Trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” tại Bảo tàng Hải Phòng nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng thành phố Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2023) và Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng năm 2023.
Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: Người Mường tỉnh Hòa Bình hiện còn bảo tồn, lưu giữ được hàng trăm chiếc trống đồng, hơn 5.000 chiếc chiêng quý. Hòa Bình cũng luôn tự hào là nơi sản sinh ra sử thi “Đẻ đất đẻ nước” nổi tiếng và lưu giữ nhiều nét văn hóa của người Việt cổ.
"Chúng tôi mong muốn tới đây sẽ tiếp tục sẽ được kết nối và tổ chức nhiều hơn nữa những cuộc trưng bày, giao lưu văn hóa giữa hai địa phương Hải Phòng và Hòa Bình, nhằm phát huy nhiều hơn và đưa đến cho người dân hiểu nhiều hơn, sâu hơn nữa về văn hóa của Hòa Bình, văn hóa Hòa Bình tại Hải Phòng và ngược lại", bà Bùi Thị Niềm nói./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/trung-bay-di-san-van-hoa-muong-tai-hai-phong-post1019337.vov