Trung Quốc áp biện pháp hạn chế với thiết bị y tế từ EU, đáp trả lệnh cấm của Brussels

Ngày 6/7, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hợp đồng mua sắm thiết bị y tế có giá trị từ 45 triệu nhân dân tệ (khoảng 6,3 triệu USD) trở lên, có nguồn gốc từ Liên minh châu Âu (EU). Đây được xem là động thái đáp trả lệnh cấm tương tự do EU ban hành trước đó đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo đó, các doanh nghiệp EU, ngoại trừ những công ty có vốn đầu tư châu Âu nhưng đã đăng ký hoạt động tại Trung Quốc, sẽ không được tham gia các gói thầu mua sắm thiết bị y tế của Chính phủ Trung Quốc có giá trị vượt quá ngưỡng nêu trên. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng với nhiều loại sản phẩm, từ thiết bị và phụ tùng nhân tạo đến máy móc y tế và dụng cụ phẫu thuật.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tuyên bố hạn chế nhập khẩu thiết bị y tế có tỉ lệ linh kiện sản xuất tại EU chiếm trên 50% tổng giá trị hợp đồng. Các biện pháp này được thực thi ngay từ ngày 6/7.

Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU tiếp tục gia tăng khi ngày 20/6, EU cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế có giá trị từ 5 triệu euro (tương đương 5,8 triệu USD) trở lên. Lý do được EU đưa ra là các doanh nghiệp châu Âu không được tiếp cận bình đẳng tại thị trường Trung Quốc. Biện pháp hạn chế này của EU bao gồm nhiều mặt hàng như khẩu trang y tế, máy chụp X-quang và các thiết bị y tế khác.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), đây là lần đầu tiên EU thực hiện hành động dựa trên Cơ chế Công cụ mua sắm quốc tế (IPI) của khối, được thông qua và có hiệu lực từ năm 2022. Cơ chế này nhằm đảm bảo nguyên tắc đối đẳng trong tiếp cận thị trường mua sắm công toàn cầu. EC cho biết gần 90% các hợp đồng mua sắm công trong lĩnh vực thiết bị y tế tại Trung Quốc có dấu hiệu phân biệt đối xử hoặc loại trừ doanh nghiệp EU.

Phản ứng trước động thái này, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh đã nhiều lần thể hiện thiện chí giải quyết bất đồng thông qua đối thoại song phương. Tuy nhiên, EU vẫn triển khai các biện pháp mang tính hạn chế và dựng thêm rào cản. Do đó, Trung Quốc buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả tương ứng.

Ngoài lĩnh vực thiết bị y tế, căng thẳng thương mại giữa hai bên còn lan sang nhiều lĩnh vực khác như ô tô điện, đường sắt, pin mặt trời, tuabin gió và gần đây nhất là mặt hàng rượu mạnh. Ngày 4/7, Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các nhà sản xuất rượu mạnh châu Âu, bắt đầu từ ngày 5/7, nếu các doanh nghiệp này không điều chỉnh tăng mức giá bán.

Cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết đã tiến hành điều tra hơn một năm đối với mặt hàng rượu mạnh nhập khẩu từ châu Âu, chủ yếu là rượu cognac của Pháp. Kết quả cho thấy có hiện tượng bán phá giá với biên độ từ 27,7% đến 34,9% đối với các sản phẩm đóng thùng dưới 200 lít, nhập khẩu vào Trung Quốc trong giai đoạn từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2023. Do đó, Bắc Kinh sẽ áp dụng mức thuế chống bán phá giá tương ứng trong thời gian 5 năm. Trung Quốc nhấn mạnh, biện pháp này nhằm đáp trả việc EU mở cuộc điều tra trợ cấp đối với ngành ô tô điện của Trung Quốc.

Các diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh hai bên dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc vào cuối tháng này tại Bắc Kinh.

Quang Chiến

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/trung-quoc-ap-bien-phap-han-che-voi-thiet-bi-y-te-tu-eu-dap-tra-lenh-cam-cua-brussels-319735.html