Bộ Khoa học và Công nghệ nêu giải pháp để hạn chế sữa giả tràn lan

Các sản phẩm, hàng hóa rủi ro cao sẽ bắt buộc phải có sự đánh giá của bên thứ ba và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm, hàng hóa cũng chỉ do một Bộ quản lý thay vì nhiều Bộ như trước đây. Đây là những điểm mới nhằm hạn chế tình trạng sữa giả, thực phẩm chức năng giả tràn lan thời gian qua, theo Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chiều 7/7, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Họp báo giới thiệu 5 Luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được thông qua tại kỳ họp thứ 9, khóa XV của Quốc hội. Trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóaLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Theo ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, hai Luật trên đã quy định nhiều giải pháp căn bản để giải quyết các vấn đề chất lượng sản phẩm, hàng hóa tồn tại thời gian qua.

Ông Hiệp cho biết, trước đây chúng ta quản lý theo phân loại hàng hóa nhóm I, nhóm II, dẫn đến thực tế có những sản phẩm rủi ro cao nhưng lại do doanh nghiệp công bố chất lượng, đây là điều rất nguy hiểm.

Luật mới quy định phân loại hàng hóa sản phẩm theo mức độ rủi ro. Đây cũng là phương thức được hầu hết các nước trong khối ASEAN đang áp dụng.

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

Theo đó, quản lý chặt chẽ với các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm rủi ro cao theo phân loại đã được quốc tế áp dụng. Trong đó yêu cầu nhóm hàng hóa này phải có đánh giá của bên thứ ba, không để doanh nghiệp tự đánh giá. Với nhóm hàng hóa rủi ro trung bình đến thấp, doanh nghiệp có thể tự đánh giá hoặc sử dụng kết quả chứng nhận của bên thứ ba. “Lần này chúng ta rạch ròi, các sản phẩm rủi ro cao bắt buộc phải quản lý rất chặt”, ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, Luật mới cũng quy định, tất cả những hàng hóa rủi ro cao bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc. Vấn đề này đang được các bộ ngành đẩy mạnh, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Một giải pháp khác trong Luật, theo ông Hiệp, là xác lập rõ cơ chế phân công, phân cấp quản lý, trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ sẽ quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa chỉ do một Bộ, ngành quản lý, một đối tượng chỉ chịu sự điều chỉnh của một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cách làm này giúp tránh chồng chéo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Thời gian qua, vấn đề hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là sữa giả gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Thời gian qua, vấn đề hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là sữa giả gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Một giải pháp khác, theo người đứng đầu Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia là tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ công bố tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến thu hồi sản phẩm và bồi thường thiệt hại.

Các hành vi gian lận chất lượng, quảng cáo sai sự thật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt trên môi trường số, đều bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nghiêm.

Đáng chú ý, Luật đã bổ sung chế tài xử lý vi phạm mạnh mẽ hơn, bao gồm xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời công khai thông tin vi phạm trên nền tảng số quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành, địa phương, hải quan, cảnh báo quốc tế và phản ánh từ người tiêu dùng. Cơ chế này sẽ cho phép phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và xử lý nhanh các trường hợp hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Một giải pháp nữa, theo ông Hiệp là tăng vai trò giám sát xã hội thông qua sự tham gia của tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng trong khảo sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, kiến nghị và phối hợp kiểm tra.

Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho rằng, việc Quốc hội thông qua hai đạo luật quan trọng này không chỉ khắc phục các khoảng trống pháp lý trong quản lý chất lượng mà còn tạo dựng một hệ sinh thái pháp luật hiện đại, minh bạch, hiệu quả, dựa trên nền tảng công nghệ số và hội nhập quốc tế.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóaLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng có hiệu lực từ 01/01/2026.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-neu-giai-phap-de-han-che-sua-gia-tran-lan-post1758262.tpo