Trung Quốc áp thuế hạn chế đáp trả Mỹ:Giảm nguy cơ chiến tranh thương mại

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng mức thuế quan toàn diện đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày 4-2, Bắc Kinh đã tung ra một loạt đòn trả đũa: Tăng thuế với hàng hóa của Mỹ, kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu hiếm, khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), điều tra chống độc quyền với Google... Các biện pháp đáp trả này đầy tính thận trọng khi nền kinh tế số hai thế giới vẫn để lại không gian đối thoại cho cả hai bên.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).

Động thái của Bắc Kinh nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu cụ thể của Mỹ và những công ty kinh doanh tại Trung Quốc đó là: Áp thuế 15% đối với than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và một số loại xe hạng nặng. Nước này cũng đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối

với một số kim loại chiến lược như vonfram và molypden… Bộ Thương mại Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đối với quyết định của Mỹ áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc. Nước này cũng mở cuộc điều tra đối với Tập đoàn công nghệ Google với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.

Với tư cách là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, Trung Quốc không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến thương mại. Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật sau khi chứng kiến Canada và Mexico đã đàm phán hoãn lại 30 ngày để đổi lấy các nhượng bộ về thực thi biên giới và tội phạm. Động thái trả đũa mang tính hạn chế của Bắc Kinh đối với Washington đã nhấn mạnh nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm đưa ông Donald Trump vào các cuộc đàm phán để ngăn chặn một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giới chuyên gia đánh giá, các biện pháp đối phó của Trung Quốc không mang tính “sát thương” cao cho Mỹ. “Phản ứng này đã được cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Stephen Olson, cựu chuyên gia đàm phán thương mại của Mỹ cho biết. Trong khi đó, thành viên cấp cao của Viện ISEAS, Yusof Ishak (Singapore) nhận định: “Đòn đáp trả đủ mạnh để thu hút sự chú ý của Tổng thống Donald Trump mà không gây tổn hại đến khả năng đạt được một số thỏa thuận giữa hai nước”.

Giáo sư Wu Xinbo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Phục Đán (Thượng Hải) đánh giá, với những "biện pháp đối phó cứng rắn" này, thông điệp của Bắc Kinh đã rõ ràng, đồng thời lưu ý hành động của Trung Quốc không nhằm mục đích leo thang đối đầu, mà là để Mỹ hiểu rằng "các vấn đề giữa hai nước nên được giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn, thay vì thông qua áp lực vô lý hoặc cưỡng chế đơn phương".

Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, mức thuế 10% không có tác động quá lớn so với cuộc chiến thương mại căng thẳng năm 2018. Khi đó, ông Donald Trump đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh trả đũa bằng thuế quan trị giá 185 tỷ USD đối với hàng hóa Mỹ. Hơn nữa, mức thuế này thực ra thấp hơn so với mức mà Mỹ áp lên Canada và Mexico, cũng như “vẫn mềm mỏng” so với cảnh báo 60% trong quá trình vận động tranh cử của ông Donald Trump.

Mỹ đã nhiều lần áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, viện dẫn nhu cầu bảo vệ thị trường trong nước và hỗ trợ các ngành công nghiệp. Lập luận chính của Washington là mất cân bằng thương mại: Vào năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, Canada và Mexico sang Mỹ lên tới 1,5 nghìn tỷ USD, chiếm một phần đáng kể trong kim ngạch nhập khẩu của nước này. Chính quyền Mỹ cũng tuyên bố, các chính sách thương mại của Trung Quốc, bao gồm trợ cấp nhà nước và hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp xứ Cờ hoa.

Những người ủng hộ thuế quan cho rằng, các biện pháp như vậy sẽ giúp tạo thêm việc làm tại Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc và kích thích sản xuất trong nước. Tuy nhiên, những người chỉ trích cảnh báo, về lâu dài, thuế quan có thể dẫn đến giá cả cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ và làm phức tạp hoạt động của các công ty Mỹ phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.

Các nhà quan sát đang theo dõi chặt chẽ diễn biến các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc có cơ hội xây dựng quan hệ với chính quyền Mỹ hoặc tìm kiếm một thỏa thuận thương mại nhằm tránh những biện pháp kinh tế khắc nghiệt hơn.

Bất chấp những lời lẽ gay gắt, cả hai bên có thể sẽ tiếp tục tìm kiếm thỏa hiệp, vì sự đổ vỡ hoàn toàn trong quan hệ thương mại sẽ gây hại không chỉ cho nền kinh tế của mỗi nước mà còn cho toàn bộ hệ thống thương mại toàn cầu.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trung-quoc-ap-thue-han-che-dap-tra-my-giam-nguy-co-chien-tranh-thuong-mai-692455.html