Trung Quốc chính thức triển khai dịch vụ xuất khẩu ô-tô cũ

Sau 5 năm thực hiện thí điểm xuất khẩu ô-tô cũ từ năm 2019, ngày 7/2/2024, Trung Quốc đã ban hành thông tư liên tịch về đẩy mạnh dịch vụ xuất khẩu ô-tô cũ, theo đó chính thức triển khai dịch vụ xuất khẩu mặt hàng này trên phạm vi toàn quốc.

Ô-tô cũ chờ xuất khẩu của một doanh nghiệp ở thành phố Thiên Tân. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Ô-tô cũ chờ xuất khẩu của một doanh nghiệp ở thành phố Thiên Tân. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Hướng tới dịch vụ chuyên nghiệp

Theo số liệu hải quan, kể từ khi thí điểm xuất khẩu từ năm 2019 đến nay, lượng xuất khẩu ô-tô cũ của Trung Quốc đã tăng mạnh từ 15.000 chiếc năm 2021 lên 69.000 chiếc năm 2022, tăng hơn 350%. Ô-tô cũ được xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường chính là các nước khu vực Trung Á, châu Phi và một số nước ở khu vực Đông Nam Á. Từ năm 2022, Nga trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của ô-tô cũ Trung Quốc.

Thiên Tân là thành phố đầu tiên thí điểm xuất khẩu ô-tô cũ. Từ năm 2019 đến nay, Thiên Tân đã xuất khẩu hơn 20.000 ô-tô cũ, kim ngạch đạt 523 triệu USD, trong đó 9 tháng đầu năm 2023 đã xuất 13.000 xe với kim ngạch 354 triệu USD, đứng đầu cả nước về quy mô xuất khẩu.

5 năm qua, xuất khẩu ô-tô cũ của Trung Quốc đã có bước phát triển và một số cách làm thành công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại và kinh doanh ô-tô trong nước.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ xuất khẩu, cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường khu vực Tây Á, Trung Á, tháng 10/2023, thành phố Thiên Tân và thành phố Kashgar, khu tự trị Tân Cương đã phối hợp triển khai mô hình “kho hàng xuất khẩu+kho biên mậu cửa khẩu” dành riêng cho ô-tô cũ. Trong đó, kho hàng xuất khẩu ở Thiên Tân là nơi thu gom các chủng loại ô-tô cũ mà thị trường nhập khẩu cần; kho biên mậu cửa khẩu ở Kashgar cung cấp dịch vụ trưng bày, giao dịch, vận chuyển ô-tô cũ, từ đó hình thành luồng xuất khẩu kết nối thị trường trong nước với khu vực Trung Á.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu ô-tô cũ ở thành phố Thiên Tân đã xuất khẩu các loại xe công trình, ô-tô từ 9 chỗ trở lên, xe tải chở hàng, ô-tô chạy xăng truyền thống, ô-tô năng lượng mới. Trong đó, ô-tô năng lượng mới trở thành mặt hàng chính, hiện chiếm hơn 70% các dòng ô-tô cũ xuất khẩu.

Trong khi đó, hải quan thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam áp dụng kiểm tra giấy phép xuất khẩu trực tuyến, mở luồng xanh liên hợp hải quan-đường sắt dành riêng cho xuất khẩu ô-tô cũ, sử dụng phương thức khai báo hải quan trước khi hàng đến để rút ngắn thời gian vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Chính thức triển khai trên toàn quốc

Hiện tại Trung Quốc đã bước vào giai đoạn chuyển đổi ô-tô mới-cũ. Sản lượng ô-tô hằng năm rất lớn, cụ thể năm 2023 là 336 triệu chiếc, với chất lượng ngày càng được cải thiện, giá bán ngày càng hợp lý, nên tốc độ đào thải, đổi mới, nâng cấp xe rất nhanh, đã đặt ra bài toán về lượng ô-tô cũ, và “lời giải” chính là xuất khẩu, điều này vừa phù hợp với xu thế phát triển của thị trường ô-tô trong nước, mặt khác cũng đáp ứng nhu cầu về nhập khẩu ô-tô cũ của một số thị trường trên thế giới.

Tháng 2/2024, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Thông tin hóa, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành “Thông tư về đẩy mạnh dịch vụ xuất khẩu ô-tô cũ”, quyết định chính thức triển khai dịch vụ xuất khẩu ô-tô cũ trên toàn quốc.

Để bảo đảm chất lượng, các doanh nghiệp xuất khẩu ô-tô cũ phải đủ năng lực về dịch vụ và nhân sự kiểm định chất lượng xe; các ô-tô cũ xuất khẩu phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và phải có chứng nhận kiểm định do bên thứ 3 cấp. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu ô-tô cũ cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn có liên quan của nước nhập khẩu.

Các địa phương và doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống dịch vụ xuất khẩu ô-tô cũ khép kín từ trưng bày, giao dịch, sửa chữa, kiểm định, khai báo hải quan, kho vận, tài chính, để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Sau khi thông tư được ban hành, ngành xuất khẩu ô-tô cũ của Trung Quốc bước sang giai đoạn mới, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức về tiêu chuẩn ngành, dịch vụ sau bán hàng, xoay vòng vốn...

Hiện tại, một số doanh nghiệp đã xây dựng kho hàng ô-tô cũ và cung cấp dịch vụ sau bán hàng ở một số thành phố lớn tại các thị trường trọng điểm. Việc xây dựng kho hàng ở nước ngoài sẽ giải quyết được một phần vấn đề dịch vụ sau bán hàng, tuy nhiên do có nhiều chủng loại xe khác nhau, nên khó cung cấp dịch vụ sửa chữa đầy đủ cho từng loại xe. Vì vậy, bảo đảm dịch vụ sau bán hàng vẫn là một thách thức mà ngành xuất khẩu ô-tô cũ phải đối mặt.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp xuất khẩu ô-tô cũ có thể hợp tác xây dựng hệ thống dịch vụ bảo dưỡng, mở rộng mạng lưới dịch vụ sau bán hàng ở nước ngoài, cung cấp linh kiện, phụ tùng; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ô-tô kiện toàn mạng lưới kinh doanh quốc tế, để từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ bảo dưỡng sau bán hàng ở nước nước ngoài.

Ngoài ra, tiền vốn là một điểm nghẽn trong hoạt động xuất khẩu ô-tô cũ. Doanh nghiệp phải chịu sức ép lớn về vốn do thời gian quay vòng tương đối dài. Để giải quyết nút thắt này, cơ quan thuế ở thành phố Thiên Tân đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, nhằm giảm áp lực vốn cho doanh nghiệp.

Xuất khẩu ô-tô cũ phải trải qua nhiều khâu, quy trình phức tạp, liên quan đến kiểm soát chất lượng, kiểm định tiêu chuẩn, kênh phân phối, dịch vụ sau bán hàng... Ngành này ở Trung Quốc đang trong giai đoạn khởi đầu, vì vậy các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp có thể tham khảo kinh nghiệm và cách làm thành công của các nước khác như: Nhật Bản, Đức..., dựa trên các quy định, chính sách xuất khẩu và đặc điểm ô-tô cũ của Trung Quốc để tìm và phát triển mô hình kinh doanh xuất khẩu ô-tô cũ phù hợp với từng thị trường riêng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trung-quoc-chinh-thuc-trien-khai-dich-vu-xuat-khau-o-to-cu-post799097.html