Trung Quốc chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ
Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Macquarie Hồ Vĩ Tuấn nhận định: 'Một cuộc chiến thương mại mới không phải là điều bất ngờ với Trung Quốc.'

Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo SCMP, các nhà phân tích cho rằng phản ứng mạnh mẽ bất ngờ của Trung Quốc trước đòn thuế mới nhất từ Tổng thống Mỹ Donald Trump là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản này trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, cũng như việc Trung Quốc đã giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Mỹ so với thời điểm Trump khơi mào cuộc chiến thương mại năm 2018.
Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Macquarie Hồ Vĩ Tuấn nhận định: "Một cuộc chiến thương mại mới không phải là điều bất ngờ với Trung Quốc."
Ông cho biết thêm việc Trung Quốc đáp trả nhanh chóng thay vì hạ nhiệt cho thấy Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị và không có ý định vội vã vào đàm phán với Washington.
Ông Hu phát biểu: "Trump đã bày tỏ ý định (tăng thuế) trong chiến dịch tranh cử, và Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng (kinh tế) năm nay khoảng 5%, điều này có nghĩa họ đã sẵn sàng."
Đòn phản công của Bắc Kinh với Washington - dưới hình thức cam kết áp thuế 34% lên tất cả hàng hóa Mỹ, bổ sung vào mức thuế hiện có để đáp trả động thái tương tự của Mỹ - đã làm leo thang hơn nữa cuộc đấu thuế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bắc Kinh cũng nhắm vào thêm nhiều công ty Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ, sản xuất thiết bị bay không người lái, tình báo và hậu cần với lệnh cấm hoặc kiểm soát xuất khẩu.
Tuần trước, Trump công bố mức thuế "đối ứng" mới 34% lên hàng hóa Trung Quốc, động thái này đã đẩy thuế suất bình quân gia quyền của Mỹ đối với Trung Quốc lên đáng kể, khoảng 65%.
Theo số liệu chính thức của Mỹ, tổng kim ngạch thương mại song phương Mỹ-Trung năm 2024 đạt 582,4 tỷ USD, giảm so với mức 661,5 tỷ USD năm 2018. Trong giai đoạn này, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm từ 19,2% xuống 14,7%.
Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley Hình Tự Cường cho biết: "Tổng thuế suất tích lũy của Mỹ sẽ gây áp lực lên tăng trưởng lớn hơn nhiều so với giai đoạn 2018-2019, với mức giảm 1,5-2 điểm phần trăm đối với tăng trưởng năm nay. Bắc Kinh có khả năng sẽ đẩy nhanh các biện pháp kích thích đã lên kế hoạch và sớm đưa ra chính sách nới lỏng mới."
Trong khi đó, đậu tương Mỹ, mặt hàng mà Trung Quốc từng phụ thuộc nhiều để làm thức ăn chăn nuôi, sẽ phải chịu mức thuế tổng cộng 44%, sau khi Trung Quốc đã áp thuế 10% vào tháng trước.
Nhà nghiên cứu Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc Chung Ngọc nhận định: "Trung Quốc phải làm điều này, bởi nếu không có biện pháp đối phó, chúng tôi sẽ ở thế bị động."
Ông cho biết thêm kể từ cuộc chiến thương mại đầu tiên, Brazil đã thay thế Mỹ trở thành nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho Trung Quốc. Ông nêu rõ: "Trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn không thể không cần đến thị trường quốc tế, dù chúng tôi đang làm rất nhiều việc (để tự chủ hơn)."
Trước đó, Nhật báo Wall Street Journal (WSJ) đăng bài bình luận cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế nhập khẩu toàn diện sẽ thay đổi trật tự thế giới và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong những người thắng cuộc rõ ràng từ chính sách này.
Trung Quốc đã đáp trả động thái Washington tăng thuế gần đây bằng cách thông báo áp thuế 34% lên hàng hóa Mỹ, bắt đầu từ tuần tới.
WSJ đánh giá tình hình hiện tại là một món quà chiến lược cho ông Tập Cận Bình bởi Bắc Kinh tự tin về khả năng tìm ra các nguồn thay thế cho những mặt hàng nhập khẩu quan trọng./.