Trung Quốc chuẩn bị ra nghị quyết quan trọng về lịch sử quốc gia

Nghị quyết về lịch sử quốc gia dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc khả năng sẽ là công cụ để nước này theo đuổi hiện thực hóa giấc mơ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Từ ngày 8 đến 11-11, tại Bắc Kinh diễn ra kỳ hội nghị thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) khóa XIX. Truyền thông TQ cũng như một số cơ quan báo, đài quốc tế nhận định những gì được thảo luận và thống nhất tại sự kiện này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong định hướng lãnh đạo của Bắc Kinh nhiều năm tới.

Theo thông lệ, chương trình nghị sự các kỳ hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản TQ luôn được giữ kín, chỉ được công bố bằng một thông cáo về nội dung thảo luận và nghị quyết được thông qua sau khi hội nghị kết thúc, theo tờ The Guardian.

Nghị quyết về tiếp cận lịch sử Trung Quốc

Theo tờ Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ, một trong những nội dung chủ chốt được đem ra thảo luận lần này liên quan đến việc nên tiếp cận và diễn giải lịch sử TQ dưới nhãn quan và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã thay mặt Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản TQ trình bày báo cáo về vấn đề này và công bố dự thảo nghị quyết liên quan “những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phát triển của Đảng Cộng sản TQ”. Các quan điểm và đề xuất đóng góp cho nghị quyết cả trong và ngoài Đảng đều được ghi nhận.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết thêm nghị quyết mới sẽ là văn kiện định hướng “cách thức giảng dạy và miêu tả lịch sử TQ”, đồng thời xác lập các thành công trong chính sách lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong nhiệm kỳ của ông Tập. Mặt khác, nghị quyết mới thể hiện quyết tâm không ngừng của giới lãnh đạo TQ trong khẳng định vai trò của lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng kể từ khi được thành lập vào tháng 7-1921.

Nếu được hội nghị nhất trí, đây sẽ là lần thứ ba một nghị quyết về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản TQ được thông qua, sau thời lãnh đạo Mao Trạch Đông (năm 1945) và ông Đặng Tiểu Bình (năm 1981).

Kỳ hội nghị thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản TQ khóa XIX do ông Tập Cận Bình (giữa) chủ trì khả năng sẽ thông qua một “nghị quyết lịch sử”. Trong ảnh: Ông Tập thăm một khu dân cư ở tỉnh Sơn Đông vào ngày 21-10. Ảnh: XINHUA

Kỳ hội nghị thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản TQ khóa XIX do ông Tập Cận Bình (giữa) chủ trì khả năng sẽ thông qua một “nghị quyết lịch sử”. Trong ảnh: Ông Tập thăm một khu dân cư ở tỉnh Sơn Đông vào ngày 21-10. Ảnh: XINHUA

Tại sao cần quan tâm nghị quyết sắp tới của Trung Quốc?

Dự thảo nghị quyết về hướng diễn giải mới cho lịch sử TQ đang rất được quan tâm. Lý do bởi TQ kể từ giai đoạn cận hiện đại đến nay thường gắn chặt bản sắc quốc gia và các quyết sách chính trị quan trọng với lịch sử phát triển lâu đời của mình. Ví dụ, quyết tâm đưa TQ thành cường quốc hàng đầu thế giới của giới lãnh đạo Bắc Kinh xuất phát một phần từ cái mà họ gọi là “thế kỷ ô nhục” (Bách niên quốc sỉ) - một giai đoạn kéo dài hơn 100 năm sau thất bại trước đế quốc Anh trong chiến tranh nha phiến thứ nhất (giai đoạn 1839-1942) mà TQ bị hàng loạt các quốc gia châu Á và phương Tây can thiệp quân sự và đánh mất vị thế cường quốc thế giới.

Những biến động nói trên từ đó về sau ảnh hưởng sâu sắc đến cảm quan dân tộc và cảm quan lịch sử của người dân TQ. Và với sự khích lệ từ Đảng Cộng sản TQ, ý muốn đưa TQ vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới và đòi lại “công bằng” với những gì phương Tây đã làm trong quá khứ dần hình thành trong bộ phận người dân TQ. Nói cách khác, TQ dường như chưa bao giờ tự xem mình là một cường quốc mới nổi mà chỉ là một cường quốc trở lại đúng vị trí định sẵn của họ.

TQ còn ứng dụng lịch sử một cách có hệ thống trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với các nước xung quanh, rõ nhất là ở Biển Đông. Khi đề cập tới vấn đề chủ quyền Biển Đông, cách diễn ngôn của TQ thường là nêu ra cái gọi là “quyền lịch sử” đối với các thực thể đang tranh chấp dựa vào các bằng chứng, phát kiến khảo cổ và tài liệu lịch sử khó kiểm chứng về mặt nguồn gốc và độ tin cậy để bổ khuyết cho tuyên bố chủ quyền vốn không vững về mặt pháp lý của họ. Đến nay, cộng đồng quốc tế hầu như đã bác bỏ lập luận của TQ trên Biển Đông; phán quyết cuối cùng từ Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã tuyên bố TQ không có “quyền lịch sử” trên Biển Đông.

Với nghị quyết về định hướng lịch sử sắp tới, giới lãnh đạo TQ nhìn chung sẽ có thêm nhiều công cụ hơn để sử dụng và kiểm soát diễn ngôn lịch sử quốc gia nhằm phục vụ các mục tiêu thực tế của nước này.

Kịch bản có thể xảy ra là TQ sẽ vận dụng nghị quyết để điểm lại các thành tựu kinh tế, chính trị và quân sự đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là những thành tựu trong nhiệm kỳ của ông Tập, để trước hết là tăng cường vị thế và ảnh hưởng của TQ trên trường quốc tế trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tăng cao. Nhân Dân nhật báo dẫn thông cáo sau một phiên họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản TQ hồi cuối tháng 10 chuẩn bị cho kỳ hội nghị thứ 6 lần này đã khẳng định mục tiêu phải làm rõ rằng TQ đang ngày càng khẳng định vị thế quốc tế vững vàng, tất cả thiết chế chính trị - xã hội - quân sự đều đang hoạt động hiệu quả và là nền tảng vững chắc để có những bước đi xa hơn.

Điều này cũng dẫn tới ý định thứ hai là siết chặt khối đoàn kết trong nước, nhất là đồng thuận giữa Đảng và người dân để hoàn thành thêm nhiều mục tiêu chính trị - xã hội đã đặt ra cho giai đoạn tới. Hồi đầu tháng 7, ông Tập từng có bài phát biểu khẳng định TQ đã hoàn thành “mục tiêu 100 năm” đầu tiên là xây dựng xã hội toàn diện khá giả. Toàn dân TQ thời gian tới cần chuẩn bị quyết tâm hướng đến triển khai và hoàn thành “mục tiêu 100 năm” thứ hai là xây dựng TQ thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt. Vấn đề Đài Loan nhiều tháng gần đây cũng đang được đánh giá là mục tiêu mà Bắc Kinh sẽ theo đuổi tích cực trong ít nhất 5-10 năm tới và kế hoạch thu hồi hòn đảo này dù diễn ra như thế nào vẫn cần sự ủng hộ từ đông đảo dư luận TQ.•

Trung Quốc xử lý hình sự người ủng hộ Đài Loan độc lập

Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc chính phủ TQ mới đây thông báo sẽ xử lý hình sự đối với một số người ủng hộ Đài Loan độc lập khỏi đại lục, theo tờ South China Morning Post. Một số nhân vật được nêu danh gồm người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp, người đứng đầu cơ quan lập pháp Du Tích Khôn và người đứng đầu cơ quan hành pháp Tô Trinh Xương.

Những nhân vật nói trên và người thân của họ thời gian tới sẽ bị cấm nhập cảnh vào đại lục. Cá nhân và tổ chức có liên quan tới các nhân vật này cũng sẽ bị hạn chế hợp tác hoặc nhận tiền từ các tổ chức và cá nhân ở đại lục.

Theo hãng tin AFP, việc hạn chế hoạt động của những người có tên trong danh sách đen, hay cấm họ hợp tác, nhận tiền tài trợ từ các cá nhân và tổ chức tại đại lục sẽ gây khó khăn cho các chiến dịch tranh cử tại Đài Loan, bởi các nguồn quỹ tranh cử phụ thuộc vào sự đóng góp tài chính của các doanh nghiệp Đài Loan, mà đa phần lợi nhuận từ giao thương với thị trường đại lục.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/trung-quoc-chuan-bi-ra-nghi-quyet-quan-trong-ve-lich-su-quoc-gia-1026976.html