Trung Quốc gấp rút ngăn làn sóng vỡ nợ trái phiếu bất động sản
Ít nhất 72,3 tỷ USD trái phiếu trong và ngoài nước của các công ty bất động sản Trung Quốc sắp đáo hạn. Bắc Kinh đã kịp thời đưa ra gói giải cứu nhằm ngăn chặn làn sóng vỡ nợ.
Theo Bloomberg, cách đây hơn một tháng, giá trái phiếu bằng đồng USD do các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc phát hành đã rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Đầu tháng 11, CIFI Holdings - công ty phát triển bất động sản có trụ sở ở Thượng Hải - thông báo dừng thanh toán tất cả khoản nợ nước ngoài vì không đạt được thỏa thuận với trái chủ.
Trái phiếu của CIFI đã rơi tự do trên thị trường thứ cấp. Đáng nói, CIFI thuộc nhóm doanh nghiệp bất động sản nằm trong chương trình thí điểm nhằm hạn chế tình trạng vỡ nợ.
Theo đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm này sẽ được một công ty quốc doanh bảo lãnh phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ. Hồi cuối tháng 10, CIFI thừa nhận kế hoạch này không đủ để đối phó với tình trạng khó khăn hiện tại.
Hàng trăm tỷ USD trái phiếu sắp đáo hạn
Cùng với Country Garden - công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, CIFI nằm trong nhóm tập đoàn địa ốc được coi là khỏe mạnh. Nhưng đầu tháng 11, trên thị trường thứ cấp, trái phiếu của CIFI và Country Garden được bán lại với mức giá sát với trái phiếu của China Evergrande - công ty bất động sản nợ nần nhất thế giới.
Tháng 12 năm ngoái, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của China Evergrande xuống "vỡ nợ giới hạn" sau khi tập đoàn không thể trả 2 khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn. Nhưng Country Garden thậm chí chưa vỡ nợ bất cứ khoản thanh toán trái phiếu nào.
Những tháng qua, Moody's đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc với "tốc độ chưa từng có".
Thước đo căng thẳng của Bloomberg hồi tháng 9 đối với các trái phiếu bằng đồng USD của Trung Quốc đã tăng từ 5 lên 6 - mức tối đa. Nhưng mức độ căng thẳng của trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ đã giảm từ 2 xuống 1.
Nguyên nhân là kể từ tháng 2, các vụ vỡ nợ trong nước xảy ra không nhiều bởi doanh nghiệp bất động sản ưu tiên thanh toán cho trái chủ trong nước. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng nới lỏng chính sách để xoa dịu vết thương trong ngành.
"Các trái phiếu do doanh nghiệp Trung Quốc phát hành trên thị trường nước ngoài chịu sức ép lớn bởi cuộc khủng hoảng địa ốc, căng thẳng địa chính trị và làn sóng bán tháo do lạm phát", nhà báo Dorothy Ma và Ailing Tan của Bloomberg nhận định trong một bài viết hồi cuối tháng 10.
Bloomberg cũng đặt câu hỏi về cách Bắc Kinh tiếp tục bảo vệ thị trường trái phiếu trong nước. Bởi cuộc khủng hoảng thanh khoản đang lan rộng trong ngành công nghiệp.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có ít nhất 292 tỷ USD khoản vay trong và ngoài nước đáo hạn trước năm 2024. Trong đó, 53,7 tỷ USD sẽ đến hạn thanh toán trong năm nay, 72,3 tỷ USD đáo hạn vào quý I/2023.
Cuộc khủng hoảng thanh khoản đã nhấn chìm ngành công nghiệp bất động sản của Trung Quốc. Các chủ đầu tư không thể trả tiền cho nhà thầu xây dựng và người lao động, dẫn tới hàng loạt dự án bị dừng thi công. Doanh số và giá nhà lao dốc kéo tụt niềm tin của người mua nhà, khiến vòng xoáy nợ nần càng trở nên nghiêm trọng.
Theo công ty nghiên cứu bất động sản China Index Academy, tính đến tháng 10, doanh số của 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm 26,5% so với một năm trước đó. Mức giảm hiện nay lên tới 43%.
Ngăn chặn làn sóng vỡ nợ trái phiếu
Trong những tháng đầu năm nay, hàng chục công ty phát hành trái phiếu lãi suất cao của Trung Quốc - tất cả đều liên quan đến lĩnh vực địa ốc - đã vỡ nợ hoặc không thể trả đúng hạn những trái phiếu bằng đồng USD.
Để ngăn chặn làn sóng vỡ nợ với hàng chục tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào đầu năm sau, Bắc Kinh đã kịp thời tung ra gói giải cứu gồm 16 điểm cùng nhiều phương án dành cho trái phiếu.
Theo đó, các công ty bất động sản lành mạnh sẽ được hỗ trợ phát hành trái phiếu, gia hạn thanh toán hoặc hoán đổi thông qua đàm phán.
Kênh trái phiếu cũng là một trong những nguồn được khuyến nghị để mua lại dự án bất động sản hoặc xây dựng nhà ở cho thuê.
Cụ thể, theo điểm thứ 9 trong gói giải cứu, các ngân hàng và công ty quản lý tài sản có thể phát hành trái phiếu dành riêng cho việc mua lại dự án bất động sản.
Các ngân hàng cũng có thể phát hành trái phiếu dành riêng cho việc xây dựng để cho thuê.
Ngoài ra, với các sáng kiến như "tạm thời" nới lỏng những hạn chế đối với việc vay vốn ngân hàng và củng cố niềm tin của người mua nhà, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có thể gượng dậy từ cuộc khủng hoảng thanh khoản và tránh làn sóng vỡ nợ trái phiếu mới.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Bắc Kinh cũng đưa ra một chương trình bảo lãnh phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ của các công ty bất động sản. Theo đó, chương trình này sẽ chấp nhận thêm những tài sản thế chấp bên ngoài các tài sản cốt lõi.
Trước đó, Trung Quốc đã mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính cho các công ty tư nhân, bao gồm những doanh nghiệp bất động sản, lên 250 tỷ nhân dân tệ. Động thái đó có thể giúp các công ty địa ốc phát hành thêm trái phiếu và giải quyết những khó khăn về thanh khoản.