Trung Quốc kỳ vọng hoạt động ngoại thương sôi động trong năm 2025
Mặc dù các rủi ro và thách thức bên ngoài, bao gồm rào cản thương mại và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng, nhưng ngoại thương Trung Quốc vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng.
Các nhà phân tích thị trường và doanh nghiệp xuất khẩu nhận định hoạt động ngoại thương của Trung Quốc - đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm cơ khí và điện - cùng với chuỗi cung ứng bền bỉ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc kiềm chế lạm phát toàn cầu, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi xanh tại nhiều quốc gia vào năm 2025.
Mặc dù các rủi ro và thách thức bên ngoài, bao gồm rào cản thương mại và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng, nhưng ngoại thương Trung Quốc vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn tháng 1-11/2024, hoạt động ngoại thương Trung Quốc tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước đó và đạt 39.790 tỷ NDT (5.430 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 23.040 tỷ NDT.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị phần xuất khẩu của Trung Quốc đạt 14,5% trong ba quý của năm 2024, tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, Trung Quốc sẽ tiếp tục là quốc gia thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới trong năm thứ tám liên tiếp vào năm 2024.
Ông Liang Ming, Viện trưởng Viện Thương mại Quốc tế, thuộc Học viện Thương mại và Hợp tác Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho biết ngoại thương Trung Quốc được hỗ trợ bởi nền tảng công nghiệp vững chắc và chuỗi cung ứng phát triển. Đồng thời, hoạt động này còn được củng cố bằng việc vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nâng cao khả năng phục hồi và năng lực cạnh tranh.
Với năng lực sản xuất quy mô lớn và danh mục ngành công nghiệp đa dạng nhất dựa trên tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, Trung Quốc có thể cung cấp một loạt các sản phẩm - từ tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến hàng hóa thiết yếu hàng ngày - với giá cả phải chăng cho toàn cầu. Điều này mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp nước ngoài, góp phần giảm bớt áp lực lạm phát trong các lĩnh vực phụ thuộc vào những hàng hóa này.
Các chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng các doanh nghiệp xuất khẩu nước này đang đẩy nhanh tốc độ "vươn ra toàn cầu", đầu tư mạnh vào công nghệ xanh và nâng cao năng lực sản xuất tại các thị trường nước ngoài.
Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), chi phí sản xuất điện gió và điện Mặt trời toàn cầu đã giảm lần lượt hơn 60% và 80% trong thập kỷ qua. Phần lớn mức giảm này là nhờ đóng góp của Trung Quốc.
Ông Denis Depoux, Giám đốc Điều hành Toàn cầu của công ty tư vấn quản lý Roland Berger (Đức), cho biết Trung Quốc vốn từng nổi danh với xuất khẩu hàng hóa trung gian giá rẻ. Nhưng nước này hiện ngày càng được công nhận với các sản phẩm công nghệ cao, giá trị lớn khi chuyển dịch lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.