Trung Quốc lo ngại giảm phát khi giá tiêu dùng tháng 7 đi xuống

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 9/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 7/2023 ghi nhận sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2021, thêm vào các lo ngại về giảm phát khi nhu cầu mờ nhạt và phục hồi kinh tế chậm chạp.

CPI tháng 7/2023 tại Trung Quốc giảm lần đầu kể từ tháng 2/2021. Ảnh: Tân Hoa Xã

CPI tháng 7/2023 tại Trung Quốc giảm lần đầu kể từ tháng 2/2021. Ảnh: Tân Hoa Xã

SCMP trích dẫn NBS cho thấy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 của Trung Quốc giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này cao hơn một chút so với mức giảm dự kiến 0,5% được nhà cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc Wind đưa ra trước đó. Trước đó, tháng 2/2021 là lần cuối cùng Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm CPI 0,2%.

Cụ thể, giá thực phẩm giảm 1,7% trong tháng 7/2023 so với cùng kỳ năm 2022, đi ngược lại xu hướng tăng 2,3% của tháng 6 trước đó. Trong khi đó, giá phi thực phẩm không thay đổi trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại ghi nhận tiến triển so với mức giảm 0,6% hồi tháng 6. Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng cốt lõi của Trung Quốc, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 0,8% trong tháng 7 so với một năm trước đó.

Đồng thời, chỉ số giá sản xuất (PPI) – yếu tố phản ánh giá mà các nhà máy tính cho các nhà bán buôn đối với các sản phẩm - giảm 4,4% trong tháng 7/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một sự cải thiện từ mức giảm 5,4% trong tháng 6 nhưng vẫn đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp chỉ số này ghi nhận sự sụt giảm.

Các kết quả này nêu bật lên những lo ngại về giảm phát tại Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu trong nước thấp kéo chậm đà phục hồi kinh tế, khiến các công ty tư nhân chần chừ trong việc đầu tư và mở rộng.

Theo SCMP trích dẫn nhận định của ông Zhang Zhiwei, chủ tịch và nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, động lực kinh tế tiếp tục suy yếu do nhu cầu trong nước mờ nhạt. Đặc biệt, ông lưu ý “cả CPI và PPI đều nằm trong vùng giảm phát” và ở giai đoạn này, “vẫn chưa rõ liệu các chính sách được chính phủ công bố gần đây có thể giúp sớm xoay chuyển động lực kinh tế hay không”.

Ông cho biết giảm phát – hiện tượng mức giá hàng tháng giảm 3 lần liên tiếp – có thể gây thêm áp lực lên chính phủ trong việc “xem xét các biện pháp kích thích tài chính bổ sung để giảm thiểu các thách thức”. Các biện pháp này có thể bao gồm việc cải cách và hỗ trợ chính sách nhiều hơn như tăng chi tiêu công, cắt giảm lãi suất và thuế cũng như xây dựng mạng lưới an sinh xã hội toàn diện hơn để thúc đẩy tiêu dùng.

Diễn đàn China Finance 40 (CF40) - một viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu – trong một báo cáo gần đây cũng đưa ra cảnh báo về vòng luẩn quẩn giữa tăng trưởng kinh tế chậm và lạm phát thấp. Báo cáo của tổ chức này nhận định Trung Quốc nên tránh sa vào “bẫy lạm phát thấp” có thể làm xói mòn lợi nhuận của các công ty và làm gia tăng mức nợ.

Theo SCMP trích dẫn báo cáo, “quản lý lạm phát thấp có thể khó khăn hơn so với việc quản lý lạm phát cao nên chính phủ cần chú ý đầy đủ đến những rủi ro tiềm ẩn do môi trường lạm phát thấp”.

Bản thân các nhà chức trách Trung Quốc trước đó cũng từng thừa nhận CPI có thể sẽ giảm trong tháng 7/2023 do cơ sở cao của năm 2022, khi áp lực lạm phát ở mức cao nhất trong 2 năm. Tuy nhiên, NBS ngày 9/8 khẳng định việc CPI giảm sẽ chỉ là tạm thời và chỉ số này dự kiến sẽ tăng dần khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu thị trường tiếp tục mở rộng đều đặn và tác động của mức cơ sở cao từ cùng kỳ năm ngoái giảm dần.

CPI Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi từ đầu tháng 8, đưa chỉ số này lên gần 1% vào cuối năm nay. Dù vậy, nó vẫn còn cách xa mục tiêu CPI chính thức “khoảng 3%” được chính phủ đặt ra cho cả năm 2023.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-lo-ngai-giam-phat-khi-gia-tieu-dung-thang-7-di-xuong-post25382.html