Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với châu Âu
Theo nhận định của báo Le Figaro (Pháp), Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với châu Âu sau khi quan hệ hai bên xấu đi kể từ tháng 3/2021.
Khác biệt trong cách tiếp cận
Bài viết trên Le Figaro ngày 27/10 cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 26/10 đã có cuộc điện đàm, trong đó, hai bên nhất trí nỗ lực cải thiện quan hệ Trung-Pháp, đặc biệt là quan hệ giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU), vốn xấu đi kể từ tháng 3/2021.
Mặc dù bề ngoài Pháp và Trung Quốc thể hiện thái độ ủng hộ hợp tác thay vì chạy theo sự kình địch một cách có hệ thống, song dường như Paris và Bắc Kinh vẫn có sự khác biệt lớn trong nhiều vấn đề.
Theo thông cáo báo chí của Trung Quốc, trong cuộc điện đàm, ông Tập Cận Bình khẳng định: "Trung Quốc coi trọng việc phát triển các mối quan hệ với Pháp".
Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng liệt kê các lĩnh vực mà hai bên có thể tăng cường hợp tác song phương, chẳng hạn như năng lượng hạt nhân dân sự, hàng không, trí tuệ nhân tạo, y sinh học và các vấn đề đại dương.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi tăng cường “hợp tác ba bên ở châu Phi và các nơi khác”.
Tuy nhiên, ở thời điểm Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp rời chính trường và Pháp sẽ giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong nửa đầu năm 2022, điều quan trọng đối với Trung Quốc là cải thiện quan hệ với châu Âu.
EU đã ban hành lệnh trừng phạt Trung Quốc liên quan vấn đề nhân quyền. Để trả đũa, Bắc Kinh nhắm vào các nhà ngoại giao, nghị sĩ và các nhà nghiên cứu châu Âu.
Theo bài báo, dường như để xoa dịu căng thẳng, trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Trung Quốc đã đề cập tranh chấp Pháp-Mỹ về việc bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, đồng thời nhận định rằng “nhiều sự kiện quốc tế lớn thời gian gần đây một lần nữa chứng minh Pháp đã đúng khi thúc đẩy chiến lược quyền tự chủ của EU”.
Trong khi đó, thông cáo báo chí của Điện Elysee cho biết, Tổng thống Pháp kêu gọi tiếp tục tái cân bằng mối quan hệ Trung Quốc-châu Âu theo hướng "có đi có lại", đặc biệt là về khả năng tiếp cận thị trường.
Tổng thống Macron cũng kêu gọi Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận mang tính xây dựng thông qua việc dỡ bỏ các biện pháp cưỡng ép nhằm vào các quốc gia thành viên EU, đại diện của các thể chế châu Âu và Nghị viện châu Âu, cũng như giữ cam kết đối với việc phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và cuộc chiến chống lao động cưỡng bức.
Tương lai nào cho quan hệ Trung Quốc-EU?
Yêu cầu liên quan đến vấn đề lao động là một trong những điều kiện mà EU, đứng đầu là Pháp, đặt ra cho việc ký kết hồi cuối năm 2020 một thỏa thuận đầu tư vốn gây nhiều tranh cãi giữa Trung Quốc và khối này.
Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã đặt điều kiện cho việc phê chuẩn thỏa thuận rằng, Bắc Kinh phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nghị sĩ châu Âu.
Đây cũng chính là yêu cầu mà Điện Elysee đã đưa ra trước khi xem xét nối lại các cuộc thảo luận về thỏa thuận.
Mặc dù Trung Quốc và EU đã nối lại đối thoại ở cấp cao nhất, nhưng các lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục là điểm mấu chốt.
Ngày 15/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau đó, hai bên nhất trí tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU trong tương lai mà không xác định cụ thể thời gian.
Trong cuộc điện đàm này, nhà lãnh đạo châu Âu đã nhấn mạnh vấn đề nhân quyền mà Bắc Kinh vốn không hề thích.
Nhưng khác với Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Tổng thống Pháp không nhắc đến các chủ đề nhạy cảm khi điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc ngày 26/10 vừa qua.
Thay vào đó, ông Macron đề cập tình hình hiện nay ở Afghanistan và nhấn mạnh "những yêu cầu đặt ra đối với Taliban trong cuộc chiến chống khủng bố và tôn trọng quyền của phụ nữ nói riêng".
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Bắc Kinh đang coi việc ổn định đất nước là ưu tiên hàng đầu.
Trước một Trung Quốc đề cao việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương, thông cáo báo chí của Paris nhấn mạnh, Tổng thống Pháp đã nêu ra một loạt yêu cầu cụ thể, trong đó có việc phê chuẩn các công ước của ILO và các vấn đề kinh tế, chẳng hạn như “kỳ vọng Trung Quốc sẽ phân vùng chăn nuôi lợn để tiếp tục xuất khẩu thịt lợn vào lãnh thổ Pháp trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh tại địa phương, cấp phép cho các thỏa thuận mới và mở cửa thị trường Trung Quốc”.
Tổng thống Macron cũng “khuyến khích Trung Quốc tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, thể hiện quyết tâm bằng việc nâng cao mức độ tham vọng và có những bước tiến cụ thể trong chiến lược loại bỏ dần than đá”.
Do dịch Covid-19, ông Tập Cận Bình sẽ không trực tiếp tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome (Italy) vào cuối tuần này và cũng sẽ không có mặt tại Hội nghị khí hậu Glasgow (COP26).
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc vẫn có nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại hoặc video với các nhà lãnh đạo của các nước.
Dự kiến sẽ có một hội nghị trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thời điểm “trước cuối năm nay”, trong bối cảnh hai bên có những căng thẳng xung quanh các vấn đề quốc tế.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-muon-cai-thien-quan-he-voi-chau-au-163171.html