Trung Quốc sẽ không từ bỏ thương mại 'đôi bên cùng có lợi' với Mỹ

Theo quan chức hàng đầu của Trung Quốc về thương mại quốc tế, bất chấp căng thẳng kinh tế và các rào cản thương mại gia tăng, Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ việc khai thác thị trường xuất khẩu của Mỹ.

Ren Hongbin, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc, cơ quan thương mại trực thuộc Bộ Thương mại, cho biết: “Chúng tôi vẫn sẵn sàng tăng cường hợp tác với Mỹ trong thương mại và đầu tư, bởi mọi người đều biết rằng bản chất của thương mại Trung Quốc - Mỹ là hợp tác cùng có lợi”.

“Thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng tôi chắc chắn là Mỹ”, quan chức nhấn mạnh trong Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (WEF Đại Liên 2024).

 Tập đoàn điện tử TCL của Trung Quốc. Ảnh: Internet.

Tập đoàn điện tử TCL của Trung Quốc. Ảnh: Internet.

Vào năm 2023, Trung Quốc bị soán ngôi là nguồn nhập khẩu hàng đầu của Mỹ lần đầu tiên sau 17 năm sau khi bị Mexico vượt mặt về tổng giá trị hàng hóa được vận chuyển trong bối cảnh các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thuế quan của Washington.

Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển chiếm 56,7% khối lượng thương mại của Trung Quốc, vượt xa các đối tác truyền thống như Mỹ và châu Âu.

Căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ là những thách thức lớn nhất đối với thương mại quốc tế, khiến chi phí tăng cao và làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu.

Tháng trước, Mỹ tuyên bố tăng thuế mạnh đối với một loạt mặt hàng năng lượng mới nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm thuế 100% đối với xe điện (EV) – mặc dù quốc gia này nhập khẩu rất ít từ Trung Quốc.

Đầu tháng này, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố rằng họ sẽ tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc lên tới 38% kể từ tuần tới sau cuộc điều tra kéo dài 7 tháng.

Đầu tuần, Canada cũng cho biết đang xem xét liệu có nên áp thuế đối với xe điện từ Trung Quốc hay không.

Li Dongsheng, người sáng lập và chủ tịch của gã khổng lồ điện tử TCL, cho rằng toàn cầu hóa kinh tế được thúc đẩy bởi các lực lượng thị trường và việc làm gián đoạn dòng chảy thương mại bằng quyền lực hành chính là một cách tiếp cận “không bền vững”.

“Là một doanh nghiệp, chúng tôi khá bất lực. Chúng tôi không thể tác động đến quyết định của Chính phủ Mỹ, cũng như không thể tác động đến quyết định của Chính phủ các quốc gia khác, nhưng tôi tin rằng xu hướng chung của toàn cầu hóa kinh tế là không thể thay đổi”, ông Li cũng phát biểu trong sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đại Liên.

Ông Li cho biết thêm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của TCL, với các sản phẩm chính bao gồm tivi, máy giặt và thiết bị điện nhỏ. Ông đồng thời đánh giá tuyến thương mại này là hiệu quả nhất.

Nhưng sau khi Mỹ tăng thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc, TCL trước tiên phải sản xuất các bộ phận cốt lõi ở Trung Quốc, sau đó vận chuyển các bộ phận đó đến Việt Nam và Mexico để lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng, ông nói.

Ông Li nói thêm rằng lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc chiếm 30% sản lượng toàn cầu, nhưng do thị phần không thể tăng thêm nữa, các công ty nên ra nước ngoài bằng cách xuất khẩu năng lực sản xuất thay vì chỉ xuất khẩu hàng hóa.

Ông nói: “Sự phát triển của ngành sản xuất Trung Quốc sẽ mang lại cơ hội cho các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có nền công nghiệp tương đối lạc hậu và đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu”.

Điệp Nguyễn (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-se-khong-tu-bo-thuong-mai-doi-ben-cung-co-loi-voi-my-post301096.html