Trung Quốc sẽ sử dụng tàu cao tốc để phóng tên lửa hạt nhân?
Đường sắt cao tốc đang được xem là nơi đặt bệ phóng tiềm năng cho vũ khí hạt nhân sau khi một nghiên cứu mới tại Trung Quốc cho rằng nó có một số đặc điểm phù hợp.
Theo Yin Zihong, phó giáo sư kỹ thuật dân dụng tại Đại học Giao thông Tây Nam ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, thông thường, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hiện đại có thể nằm gọn trong một toa tàu. Nhưng khi nổ, trọng lượng tên lửa tạo ra lực đẩy gấp hai đến bốn lần sức tải tối đa của tàu, có thể làm hỏng cơ sở hạ tầng nên phương pháp này chưa được xem là an toàn.
Tại Trung Quốc, những chuyến tàu cao tốc có vận tốc lên tới 350km/h, với 16 toa, mỗi toa nặng khoảng 60 tấn.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, Yin và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng trong một số trường hợp, sử dụng đường ray tốc độ cao, thay vì đường ray công nghiệp hạng nặng, có thể giúp quá trình phóng vận hành nhanh hơn và trơn tru hơn. Với dữ liệu từ các vụ phóng thử do quân đội Trung Quốc thực hiện, Yin và các đồng nghiệp đã mô phỏng hoạt động hệ thống phóng trên đường ray cao tốc.
“Điều này có nghĩa là trên đường ray tốc độ cao, khả năng cơ động, an toàn và che giấu của các phương tiện quân sự sẽ tốt hơn”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Đường ray bình thường sử dụng vật liệu đá dằn như đá nhỏ và sỏi, để hấp thụ các chấn động. Ví dụ một tuyến vận tải hạng nặng được xây dựng để vận chuyển quặng và than đá sẽ đòi hỏi nhiều đá dằn hơn.
Sóng xung kích mạnh do phóng ICBM tạo ra có thể đi sâu tới 8 mét dưới lòng đất, vượt xa độ dày cấu trúc bên dưới của hầu hết các tuyến đường sắt. Trong khi đó, theo nghiên cứu mới, nhóm của Yin tìm ra rằng không cần thiết phải gia cố thêm cho đường ray tốc độ cao - có các thanh được đặt cố định trên bê tông mà không sử dụng vùng đá dằn làm đệm.
Theo kết quả mô phỏng của các nhà nghiên cứu, hầu hết các rung động do tên lửa phóng ra sẽ chỉ giới hạn ở khu vực nông của đường ray cao tốc, nơi dễ dàng phát hiện và sửa chữa các hư hỏng hơn.
Một nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh nhận định kết luận này không hẳn là điều bất ngờ. Nhà nghiên cứu giấu tên cho biết: “Tốc độ vận hành cực cao đòi hỏi đường ray cao tốc phải có nền móng chắc chắn hơn nhiều so với đường ray thông thường”.
Cấu trúc hỗ trợ của một số móng đường sắt cao tốc ở Trung Quốc sâu tới 60 m, theo các thông tin công khai.
Bên cạnh đó, nhóm của Yin cũng nhận thấy những lợi thế khác trong việc phóng tên lửa từ đường sắt cao tốc so với đường sắt hạng nặng, như những cú sốc sẽ ngắn hơn. Nhưng họ cảnh báo rằng một số rung động tần số cực thấp do bệ phóng tạo ra có thể làm hỏng các cấu trúc bề mặt, chẳng hạn như đường ray và tấm bê tông.
Hiện chưa rõ quân đội Trung Quốc có triển khai bệ phóng hạt nhân dựa trên đường sắt cao tốc hay không.
Theo các chuyên gia quân sự, một hệ thống phóng ICBM trên tàu hỏa có nhiều khả năng vượt qua làn sóng tấn công hạt nhân đầu tiên hơn các hệ thống trên bộ khác. Theo một số ước tính, đoàn tàu có thể mang nhiều tên lửa ngang với tàu ngầm hạt nhân.
Đầu máy tàu hỏa mang vũ khí hạt nhân, còn được gọi là “chuyến tàu ngày tận thế”, lần đầu tiên được quân đội Mỹ đề xuất trong Chiến tranh Lạnh. Liên Xô cũ đã xây dựng và sử dụng một hệ thống như vậy.
Trung Quốc từng được cho là đã thử nghiệm sử dụng đường ray để phóng tên lửa DF-41 vào năm 2016.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/trung-quoc-se-su-dung-tau-cao-toc-de-phong-ten-lua-hat-nhan-ar668531.html