Trung Quốc siết kiểm định, sầu riêng phải bán lỗ trong nước
Nhiều lô hàng sầu riêng xuất khẩu gặp ách tắc khi Trung Quốc siết kiểm định chất lượng, doanh nghiệp buộc phải quay đầu bán trong nước với giá thấp, thậm chí chấp nhận lỗ.
Theo số liệu do Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) công bố, xuất khẩu rau quả tháng 1 giảm 11,3% so với tháng trước và 5,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, mặt hàng chủ lực sầu riêng bị ảnh hưởng nặng nề khi Trung Quốc nâng cao việc kiểm soát chất lượng.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết từ mùng 10 Tết (tức ngày 7/2), các lô sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải có giấy kiểm nghiệm chất cơ bản vàng 2 (Basic Yellow 2 - BY2, hay còn được gọi là chất vàng O) và Cadimi.
Tuy nhiên, vào khoảng thời gian đó, nhiều nơi vẫn chưa có những phòng kiểm nghiệm chất vàng O nên hàng hóa không thể thông quan. Tính đến ngày 26/1, Việt Nam chỉ có 9 trung tâm, phòng kiểm nghiệm vàng O trong sầu riêng được Trung Quốc công nhận, đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau và TP.HCM.
"Thông thường, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tháng Giêng đạt 490-500 triệu USD. Tuy nhiên, mức kim ngạch này có nguy cơ sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái khi Trung Quốc thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt mặt hàng sầu riêng", ông Nguyên nhận định.
Theo ông Nguyên, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận bán sầu riêng tại thị trường trong nước với giá thấp, thậm chí chịu lỗ từ một nửa đến 2/3 so với giá gốc.
Trong bối cảnh này, ông Nguyên khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần phải kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi xuất sang Trung Quốc. Đồng thời, lô hàng phải có giấy chứng nhận nghiêm ngặt của trung tâm, phòng kiểm nghiệm chất vàng O trong sầu riêng.
Ngoài Trung Quốc, các thị trường khác cũng đã nâng cao tiêu chuẩn đối với trái cây nhập khẩu. Theo đó, Mỹ đã cấm 7 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp. Còn các nước châu Âu cũng tăng tỷ lệ kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật trên nhiều loại trái cây từ 10% lên 20%.