Trung Quốc tập trung vào sản xuất, bỏ bất động sản lại phía sau
Trung Quốc đặt mục tiêu chi hơn 1 tỷ USD để tăng cường sản xuất và công nghệ trong nước nhằm duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu, đồng thời cho thấy có rất ít hỗ trợ mới cho thị trường bất động sản vốn đang gặp khó khăn.
Theo báo cáo được phát hành trong tuần này như một phần của cuộc họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc, hỗ trợ công nghiệp được xếp hạng đầu tiên trong danh sách ưu tiên trong năm tới. Một trong những báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẽ phân bổ 10,4 tỷ nhân dân tệ (1,45 tỷ USD) “để xây dựng lại nền tảng công nghiệp và thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của lĩnh vực sản xuất”.
Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC cho biết: “Không giống như các nền kinh tế khác đã trải qua sự điều chỉnh mạnh mẽ trên thị trường bất động sản, tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc không giảm… Thay vào đó, chi tiêu vốn đang chuyển sang cơ sở hạ tầng và quan trọng là sản xuất”.
Sự thay đổi này “làm giảm tác động của thị trường bất động sản đối với tăng trưởng”, nhưng cũng gây ra rủi ro tương tự như việc đầu tư quá mức vào bất động sản.
Các nhà kinh tế của HSBC cho biết: “Trừ khi nhu cầu bắt kịp với đầu tư và duy trì điều đó một cách bền vững, thì cuối cùng sẽ có một sự điều chỉnh khắc nghiệt”.
Vào năm 2020, các nhà chức trách đã tăng cường kiểm soát việc các nhà phát triển bất động sản phụ thuộc nhiều vào nợ để tăng trưởng. Doanh số bán bất động sản kể từ đó đã sụt giảm trong khi các nhà phát triển bất động sản không còn đủ vốn để hoàn thành nhiều dự án, khiến GDP của Trung Quốc sụt giảm vì ngành này từng chiếm khoảng 25% GDP nếu tính cả các lĩnh vực liên quan như xây dựng.
Các nhà phân tích của UBS cuối năm ngoái ước tính rằng, bất động sản hiện chiếm khoảng 22% GDP của Trung Quốc.
Bất chấp sự chú ý rộng rãi về việc liệu Trung Quốc có cứu trợ lĩnh vực bất động sản hay không, bất động sản không được đề cập đến trong kế hoạch chi tiêu của Bộ Tài chính và hạn chế được chú ý trong cuộc họp báo cấp bộ về nền kinh tế trong các cuộc họp quốc hội.
Trong ưu tiên thứ hai, Bộ Tài chính cho biết, sẽ phân bổ 31,3 tỷ nhân dân tệ để cải thiện giáo dục nghề nghiệp. Trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, đặc biệt là những người tốt nghiệp đại học, nhà sản xuất ô tô điện BYD và nhà sản xuất pin CATL nằm trong số những công ty đang hợp tác với các trường dạy nghề để đào tạo nhân viên cho lực lượng lao động đang mở rộng của họ.
Kế đó, hỗ trợ tiêu dùng đứng thứ ba trong danh sách ưu tiên của Bộ Tài chính năm nay.
Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ vì trong hai năm qua đã cắt đứt các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các chất bán dẫn cao cấp cần thiết cho việc đào tạo trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất. Trong khi các công ty Trung Quốc đang nỗ lực phát triển chip cao cấp thì các nhà phân tích nhìn chung dự đoán rằng sẽ phải mất ít nhất vài năm nữa Trung Quốc mới bắt kịp.
Áp lực lên công nghệ xuất hiện khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại tốc độ tăng trưởng sau khi tăng trưởng hai con số trong nhiều thập kỷ qua.
Mặt khác, ngày càng nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc có nền tảng kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Một trong những lãnh đạo có nền tảng về khoa học tên lửa là Yuan Jiajun. Ông Yuan giám sát các sứ mệnh không gian của Trung Quốc vào đầu những năm 2000, bao gồm cả sứ mệnh bay vào vũ trụ có người lái đầu tiên của Trung Quốc mang tên Thần Châu 5.
Hiện ông Yuan là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc.
Ông mô tả rằng thành phố có kế hoạch “Trùng Khánh kỹ thuật số”, bao gồm việc hợp nhất thông tin về một ngành - chẳng hạn như chuỗi cung ứng ô tô - vào một nền tảng có thể giúp chính phủ phân bổ nguồn lực tốt hơn. Bằng cách xây dựng một hệ thống kỹ thuật số cho các công việc hàng ngày, ông cho biết điều đó có thể giải phóng năng lượng và sức mạnh trí não cho những vấn đề phức tạp hơn trong tương lai.