Trung Quốc thiếu hụt than nghiêm trọng

Việc phân bổ điện đã được áp dụng ở nhiều thành phố Trung Quốc khi giá than tăng cao và tình trạng thiếu hụt nguồn cung than trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh mối quan hệ của quốc gia này với nhà cung cấp than lớn nhất của họ - Australia, đã bị sứt mẻ.

Nền tảng Thông tin Năng lượng Quốc gia của Trung Quốc đã thừa nhận rằng việc đảm bảo nguồn cung than hiện tại của đất nước đang gặp phải nhiều áp lực.

Theo Nền tảng Thông tin Năng lượng Quốc gia, Trung Quốc đang thiếu hụt than trên toàn quốc. Các tỉnh Chiết Giang, Hồ Nam, Giang Tây và các tỉnh, thành phố khác đang phải áp dụng các biện pháp phân bổ điện năng.

Tình trạng này đã diễn ra sau khi giá than nhiệt và than luyện cốc trong nước đều tăng vào tháng 12 vừa qua và Trung Quốc đang tiếp tục tranh chấp với Australia, hai nước gần như đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với nhau trong khi Australia lại chính là nhà cung cấp khoảng 60% than cho Trung Quốc.

Australia đã nói chuyện với WTO về hành vi của Trung Quốc trong những tháng gần đây khi họ cắt giảm nhập khẩu hàng hóa của Australia từ thịt bò đến lúa mạch, sau khi Australia thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc từ chối nhập khẩu than của Australia đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt than trên khắp cả nước, đặc biệt là trong ngành công nghiệp. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa và việc đóng cửa các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đã dẫn đến thiếu hụt các mặt hàng như titan điôxít, khiến giá cả của than tăng trong thời gian gần đây.

Ngược lại, giá quặng sắt hiện đang giảm do các lò luyện kim hạn chế hoạt động.

Ở vùng nông thôn của Trung Quốc, nơi cư dân thường đốt than và củi để sưởi ấm, tình hình đang ngày càng nghiêm trọng ở một số khu vực, đặc biệt mùa đông năm nay rất lạnh giá kéo theo nhiệt độ xuống thấp xen lẫn gió lớn.

Theo Nền tảng Thông tin Năng lượng Quốc gia, mặc dù việc đảm bảo cung cấp than hiện tại đang phải chịu áp lực lớn, nhưng không thể coi việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu than của Australia là toàn bộ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được.

Tỉnh Hồ Nam chính là một ví dụ điển hình, từ năm 2015 đến năm 2019, mức tiêu thụ điện của tỉnh đã tăng 28,8%, nhưng trong giai đoạn này, công suất lắp đặt điện của tỉnh chỉ tăng 19,4%, trong khi công suất lắp đặt nhiệt điện chiếm ưu thế cũng chỉ tăng 6,8%.

Trong một thời gian dài, Hồ Nam đã cần bổ sung thêm nguồn điện từ bên ngoài. Hiện các tổ máy phát điện của các công ty điện lực chính ở tỉnh Hồ Nam đang hoạt động hết công suất. Theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng tái tạo Hồ Nam, tính đến ngày 15/12, toàn tỉnh còn 19,5 ngày điện và than, cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu nhiệt điện của tỉnh.

Với nhu cầu điện công nghiệp tăng mạnh và hệ thống sưởi dân dụng tăng cao do thời tiết lạnh giá, tỉnh Hồ Nam thiếu điện nhưng không hề thiếu than. Dữ liệu cho thấy trong tháng 12, số ngày tồn kho than của Điện lực Chiết Giang đã được duy trì ở mức hơn 30 ngày, và nguồn cung cấp than điện được đảm bảo mạnh mẽ.

Nền tảng Thông tin Năng lượng Quốc gia cho biết rằng, giá than tăng mạnh gần đây chủ yếu là do kết quả của sự mất cân bằng định kỳ giữa cung và cầu dưới tác động tổng hợp của nhiều yếu tố.

Việc Trung Quốc thông quan đối với than nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Australia đã được tự do hóa từ giữa tháng 12 vừa qua, và vai trò điều tiết của nhập khẩu sẽ dần xuất hiện, giúp giảm bớt nguồn cung than khan hiếm cho các nhà máy điện ven biển.

Về xu hướng giá, giá than nhiệt tăng đáng kể trong những ngày đầu chủ yếu do cung cầu hiện đang bị thắt chặt, nhưng cũng có những ‘phi lý’ cho rằng thị trường đang quá lo lắng về tình trạng khan hiếm than.

Với những nỗ lực đảm bảo nguồn cung, kỳ vọng của thị trường về những đợt tăng nguồn cung cấp than tiếp theo sẽ tiếp tục được cải thiện.

Huy Hoàng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-thieu-hut-than-nghiem-trong-post112992.html