Trung Quốc tiết lộ kế hoạch không gian tham vọng trong 10 năm tới
Với trạm vũ trụ Thiên Cung hoàn thành đúng thời hạn trong năm nay, trong thập kỷ tới, mỗi năm Trung Quốc sẽ triển khai hai sứ mệnh không gian chở theo phi hành đoàn.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), kế hoạch trên được ông Hao Chun – Giám đốc Cơ quan Không gian có Người lái Trung Quốc (CMSA) - tiết lộ vào ngày 17/4, một ngày sau khi nhóm phi hành gia 3 người của tàu Thần Châu 13 trở lại Trái Đất an toàn, kết thúc sứ mệnh 6 tháng kéo dài kỷ lục.
“Kế hoạch ban đầu là phóng hai tàu chở người và hai tàu hàng mỗi năm. Các phi hành gia cũng ở trên quỹ đạo lâu hơn để thực hiện nghiên cứu khoa học không gian”, Giám đốc Hao cho biết.
Bắc Kinh có kế hoạch phóng tàu hàng Thiên Châu 4 trong tháng 5 và tàu chở người Thần Châu 14 vào tháng 6, cũng như gửi 2 mô đun thí nghiệm – Vấn Thiên và Mộng Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung trong tháng 7 và tháng 10.
Hai mô đun trên sẽ được gắn kết với lõi của trạm vũ trụ để hoàn thành hình dạng trạm chữ T.
Nhà chức trách cho hay tàu hàng Thiên Châu 5 và tàu chở phi hành gia Thần Châu 15 sẽ được khởi động vào cuối năm nay.
Tương tự như Thần Châu 14, tàu Thần Châu 15 sẽ cử 3 phi hành gia lên quỹ đạo sống và làm việc trong 6 tháng. Nhóm các phi hành gia cho hai sứ mệnh sắp tới đang trong quá trình huấn luyện. Tuy nhiên, tên của họ vẫn chưa được công bố.
Ngày 16/4, tàu Thần Châu 13 quay trở lại Trái Đất với đội phi hành gia 1 nữ 2 nam. Họ là đội phi hành gia thứ hai sống và làm việc trên trạm vũ trụ Trung Quốc.
Theo Giám đốc Hao, trong 10 năm tới, Trung Quốc cũng sẽ phát triển các tàu vũ trụ thế hệ tiếp theo với các bộ phận có thể tái sử dụng.
Theo CMSA, tàu vũ trụ thế hệ tiếp theo được thiết kế để chở 7 phi hành gia và sẽ có những cải tiến lớn về tải trọng. Trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ được sử dụng cho các thí nghiệm và nghiên cứu với quy mô lớn hơn, từ nghiên cứu khoa học đời sống không gian đến nghiên cứu khoa học vật lý vi trọng lực, thiên văn học vũ trụ và khoa học Trái đất.
Một trong những điểm đáng chú ý là kế hoạch phóng kính thiên văn lớn đầu tiên của trạm vũ trụ vào năm tới. Kính thiên văn sẽ hoạt động như một đài quan sát quang học không gian cho các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện các cuộc khảo sát bầu trời.
Được trang bị camera có độ phân giải 2,5 tỷ pixel, kính thiên văn có khả năng quan sát tới 40% bầu trời trong 10 năm. Kính thiên văn sẽ cùng với trạm vũ trụ quay quanh Trái đất.
Giám đốc Hao cho biết các nhà chức trách cũng sẽ khai thác khả năng huy động vốn tư nhân trong các sứ mệnh, đặc biệt là trong việc xây dựng và bảo trì trạm vũ trụ.
Khi được hỏi liệu căng thẳng quốc tế có ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước khác, bao gồm cả Nga hay không, ông Hao cho biết Bắc Kinh tuân thủ các nguyên tắc hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, cùng phát triển và hợp tác với tất cả các nước.
Trong chuyến thăm tới Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các ban ngành liên quan nỗ lực để các cơ sở phóng tàu vũ trụ của Trung Quốc đạt “tiêu chuẩn hàng đầu thế giới”. Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương trở thành một cơ sở cốt lõi trong kế hoạch triển khai sứ mệnh không gian của Trung Quốc.