Trung Quốc trong chiến lược cuộc chiến dưới nước

Tàu ngầm Trung Quốc được nhận xét sáng tạo hơn, thử nghiệm táo bạo hơn và sản xuất hàng loạt nhanh hơn mọi đối thủ.

Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc chiến dưới nước ở Thái Bình Dương không chỉ nhờ vào khả năng sản xuất hàng loạt nhanh chóng mà còn nhờ vào ưu thế về công nghệ, điều mà Hoa Kỳ có thể chưa sẵn sàng.

Mặc dù Mỹ vẫn luôn là quốc gia dẫn đầu về tàu ngầm trong khoảng 70 năm qua, Trung Quốc đã tiến rất gần đến vị trí đầu tiên. Điều này không chỉ do năng lực sản xuất lớn hơn mà còn dựa vào ưu thế về công nghệ, vốn luôn là lý do biện minh cho việc phương Tây sở hữu ít vũ khí hơn.

Như chuyên gia nổi tiếng HI Sutton viết, chỉ cần nhìn vào các tàu ngầm đang được sản xuất hàng loạt của Trung Quốc là đủ để nói lời tạm biệt với ý tưởng rằng Bắc Kinh chỉ có thể sao chép.

Ví dụ lớp Type 039C Yuan là tàu ngầm tàng hình đầu tiên được sản xuất hàng loạt, nó có hình dạng phần thân đặc biệt giúp giảm khả năng bị phát hiện bằng sonar.

Và tất nhiên, có thể khẳng định rằng Thụy Điển là nước đầu tiên sử dụng giải pháp này trên lớp A26 mới, còn được gọi là Blekinge. Nhưng vấn đề là chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ không xuất hiện trước năm 2027 và cho đến nay chỉ có hai chiếc được đặt hàng.

Một quyết định tương tự đã được đưa ra cho tàu ngầm Type 212CD của Đức, chiếc đầu tiên sẽ đi vào phục vụ trong Hải quân Na Uy từ năm 2029.

 Tàu ngầm tấn công Type 039C của Hải quân Trung Quốc.

Tàu ngầm tấn công Type 039C của Hải quân Trung Quốc.

Một ví dụ khác là Type 041 Zhou, không chỉ bánh lái đuôi hình chữ X mà còn có cách bố trí động cơ mới. Về mặt hình thức, đây là tàu ngầm diesel-điện, nhưng nó có một lò phản ứng hạt nhân nhỏ làm nguồn điện phụ trợ.

Tùy chọn thiết bị đặc biệt này được coi là hiệu quả hơn so với việc sử dụng động cơ Stirling như trên lớp Type 039 đã đề cập ở trên.

Hiện nay Trung Quốc đang rất tích cực thử nghiệm tàu ngầm không người lái, không phải loại nhỏ mà là phương tiện hoàn chỉnh. Điển hình như tại Quảng Châu, đã ghi nhận việc chế tạo phương tiện chiến đấu dưới nước lớn nhất thế giới, dài khoảng 45 mét và rộng 5 mét.

Theo ghi nhận của các nhà phân tích, Trung Quốc gần đây đã hạ thủy và thử nghiệm 5 loại tàu ngầm "bất thường", cho thấy họ thực sự đang dẫn đầu thế giới về công nghệ.

Đồng thời, nghiên cứu tiên tiến nhất trong lĩnh vực tác chiến dưới nước hiện nay là về thông tin liên lạc và định vị lượng tử, cũng như thế hệ vũ khí mới. Hoa Kỳ hiện được coi là đi đầu trong những lĩnh vực này, tuy nhiên lợi thế sẽ kéo dài được bao lâu vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Ngoài ra, Trung Quốc chỉ đơn giản là đang chế tạo tàu ngầm nhanh hơn. Trong vòng 12 tháng, họ đã hạ thủy 4 tàu ngầm hạt nhân đa năng lớp Type 093. Rõ ràng chúng ta đang nói về phiên bản Type 093B, được chế tạo đồng thời tại Nhà máy đóng tàu Bột Hải và hạ thủy vào năm 2022 - 2023, đó là chưa kể đến các tàu ngầm khác.

Trung Quốc tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất để chế tạo thêm nhiều tàu ngầm cùng lúc, trong khi Hoa Kỳ đang gặp vấn đề khi chỉ có thể chế tạo được 2 chiếc mỗi năm, năng lực đóng tàu thu hẹp đang khiến Mỹ tụt hậu lại rất xa so với đối thủ chính.

Tàu ngầm tấn công Type 039A của Hải quân Trung Quốc.

Theo Defense Express

Sao Đỏ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trung-quoc-trong-chien-luoc-cuoc-chien-duoi-nuoc-post729363.html