Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội: Chung tay cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng
Với mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, đảm bảo sự cân bằng về vật chất và tinh thần, trong nhiều năm qua, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã phối hợp với UBND các phường trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) triển khai có hiệu quả công tác phát triển cộng đồng tại các tổ dân phố.
Giải quyết những vấn đề cấp bách
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Trịnh Thị Phương - Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển cộng đồng (Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội) cho biết: “Xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình, sức khỏe người dân và hạn chế dịch bệnh. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng nhận thức được điều đó. Vì vậy, công tác phát triển cộng đồng tại các khu dân cư là vấn đề cấp thiết”.
Qua khảo sát, lấy phiếu ý kiến của các hộ gia đình, cán bộ Trung tâm phân tích, đánh giá và nhận diện được một số vấn đề cộng đồng quan tâm như rác thải. Cụ thể, tại một số nơi giao cắt hoặc ngã 3, ngã 4 vẫn chưa được bố trí thùng rác, chủ yếu người dân sử dụng các thùng rác tự phát như: Thùng xốp, thùng sơn, không có nắp đậy, bị sứt mẻ thậm chí cả túi ni lông khiến rác, nước thải tràn ra đường, bốc mùi hôi thối, không đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan tổ dân phố. Bên cạnh đó, người dân quan tâm tới việc tân trang lại khuôn viên nhà văn hóa sạch - đẹp nhằm tạo cảnh quan tươi vui, sinh động.
“Sau khi phân tích, đánh giá các vấn đề đang tồn tại, tham khảo ý kiến đóng góp của người dân, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ trước mắt là giải quyết triệt để những vấn đề cấp bách mà người dân đang quan tâm” - bà Phương thông tin.
Theo đó, từ năm 2016 - 2019, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã lắp đặt 11 thùng rác công cộng ở các tổ dân phố thuộc phường Biên Giang, Phú Lãm, Hà Cầu (quận Hà Đông) bằng nguồn huy động xã hội hóa từ người dân. Tại phường Đồng Mai, khuôn viên nhà văn hóa được cải tạo khang trang, giếng làng đã được giăng dây thép gai bao quanh. Trung tâm cũng hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng, di dời và hoàn thiện bảng tin, xây dựng các tủ sách phục vụ nhu cầu của người dân...
Để làm được điều đó, các cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã làm việc bằng tất cả tinh thần trách nhiệm. Công tác hỗ trợ trải qua bằng nhiều bước tuần tự, bài bản như: Tiếp cận cộng đồng, đánh giá khái quát, lập kế hoạch hành động, thực hiện kế hoạch, lượng giá, chuyển giao.
Thu hút sự tham gia của người dân
Bà Trịnh Thị Phương cho biết: “Một trong những nội dung quan trọng trong quá trình phát triển cộng đồng là sự tham gia của chính cộng đồng, người dân. Sau khi phân tích, đánh giá các vấn đề đang tồn tại, cộng đồng chính là người xây dựng kế hoạch và huy động nguồn lực để giải quyết vấn đề đó”.
Những cố gắng ấy được đáp lại bằng quả ngọt khi những dự án được triển khai, cuộc sống của người dân được cải thiện, ý thức, nhận thức của người dân được nâng cao rõ rệt. Bà Trần Thị Vinh (tổ dân phố 2, phường Hà Cầu, quận Hà Đông) vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng phấn khởi trước những đổi thay của khu dân cư. Bắt đầu từ những thứ rất nhỏ như có thêm thùng rác mới nhưng lại tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân. Mọi người có ý thức hơn trong gìn giữ môi trường sống xung quanh. Bà con cũng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn từ những dự án phát triển cộng đồng”.
Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác phát triển cộng đồng ở địa phương. Đó là một số hộ dân còn chưa có nhận thức đúng đắn về công tác phát triển cộng đồng nên thiếu sự hợp tác, việc vận động người dân cùng tham gia các hoạt động còn chưa được nhiều.
Vì vậy, bà Trịnh Thị Phương kiến nghị: Hiện tại, người dân hầu như quan tâm tới các vấn đề liên quan đến kinh tế, còn các vấn đề đời sống xã hội tồn tại trong cộng đồng chưa được quan tâm. Họ cho rằng đó không phải là vấn đề lớn và là việc chung chứ không phải việc của gia đình mình. Do đó, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến các vấn đề mang tính xã hội của cộng đồng. Cán bộ địa phương cần dành thời gian để tiếp xúc, trao đổi nhiều hơn với người dân để kịp thời tham gia giải quyết nhu cầu chính đáng của họ, nhất là về vấn đề môi trường sống.
“Tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy kinh tế vì những hiểm họa từ môi trường sống ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hôm nay mà còn ảnh hưởng cả tới các thế hệ sau. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị xã hội cần có hoạt động truyền thông cung cấp những kiến thức phù hợp với từng nhóm đối tượng: Người cao tuổi, là phụ nữ, thanh niên, học sinh, sinh viên… về việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn” - bà Phương chia sẻ.
Ngày 21/3/2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1541/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội trực thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội.
Trung tâm có chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho các đối tượng xã hội trên địa bàn TP Hà Nội theo quy định của pháp luật; phối hợp với các đơn vị thuộc Sở LĐTB&XH và các ban, ngành, địa phương trên địa bàn TP Hà Nội thực hiện việc tiếp nhận, tham vấn, tư vấn, trợ giúp cho các đối tượng gặp khó khăn trên địa bàn TP; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, viên chức, người lao động tham gia hoạt động công tác xã hội ở các cơ sở xã hội và cộng đồng...
Qua 5 năm, với sự quan tâm chỉ đạo của Cục Bảo trợ xã hội, Cục Trẻ em, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH), Sở LĐTB&XH Hà Nội, sự phối hợp và hỗ trợ của UBND, Phòng LĐTB&XH các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, tổ chức liên quan, Trung tâm đã từng bước khẳng định chất lượng cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho các cá nhân, nhóm, cộng đồng trên địa bàn TP.