Trung tướng Lê Nam Phong, vị tướng của những trận đánh lớn đã về với đất mẹ

Trung tướng Lê Nam Phong, vị tướng chỉ huy các trận đánh lớn, chỉ huy từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập, từ biên giới Tây Nam đến biên giới Tây bắc đã về với đất mẹ ngày 26/3/2022.

Trung tướng Lê Nam Phong, vị tướng gắn liền với những trận đánh lớn; một vị tướng được các cán bộ, chiến sĩ đặt cho những biệt danh thân thương như Nam “bình toong”, Nam “hỏa lực”, “hùm xám Đông Nam bộ”, “bố Năm” hay "đại đội trưởng đầu trọc", người em của anh cả Đại tướng Võ Nguyên giáp đã chào đồng đội, đồng bào để về với đất mẹ sau một thời gian lâm bệnh nặng, thọ 95 tuổi.

Trung tướng Lên Nam Phong.

Trung tướng Lê Nam Phong tên thật là Lê Hoàng Thống, sinh năm 1927 tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân nghèo.

Năm 16 tuổi, ông tham gia làm liên lạc cho tổ chức Việt Minh bí mật trong vùng; năm 1968, ông là Tham mưu trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4; năm 1973, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4; năm 1979, ông là Tư lệnh Quân đoàn 1; năm 1983, ông là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 4; năm 1987, ông là Hiệu trưởng trường Sĩ quan lục quân 2; đến năm 1997, ông nghỉ hưu và sống cùng gia đình tại TP. Thủ Đức (TP. HCM).

Đại đội trưởng đầu trọc

Về biệt danh "Đại đội trưởng đầu trọc", Trung tướng Lê Nam Phong bật mí: “Sau khi đại đội đánh xong đồi Độc Lập, tôi nhận được nhiệm vụ đánh tiếp những cứ điểm xung quanh sân bay Mường Thanh để quân Pháp không thể tiếp tế lương thực. Để có chỗ ẩn nấp, tôi đã cho quân đào chiến hào, công sự.

Trung tướng Lên Nam Phong bình dị trong cuộc sống.

Vì mưa to nên thung lũng Mường Thanh luôn bị ngập nước, quần áo không kịp khô anh em đã phải mặc vào. Khó chịu nhất là đầu lúc nào cũng bùn đất bám vào tóc nên anh em hầu hết bị nấm đầu. Không còn cách nào khác tôi là người đầu tiên cạo trọc đầu và huy động cả đội làm theo mình.

Đến tháng 4/1954, một lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra, thấy toàn đại đội ai cũng trọc đầu. Đại tướng thấy lạ và hỏi lý do, thì tôi trả lời: Báo cáo Đại tướng, chúng tôi cạo trọc đầu để thề đánh thắng thực dân Pháp xâm lược ạ. Lúc đó mình đâu dám nói là do nấm ghẻ", Trung tướng Phong cười.

Cũng từ đó cả đơn vị có biệt danh là “đại đội trọc đầu”, còi tôi Đại tướng gọi tôi là “đại đội trưởng đầu trọc”.

Trung tướng Lê Nam Phong cho biết, lúc đó ông chỉ mới 27 tuổi. Đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất của một vị tướng trận mạc, khi ông được tham gia từ đầu đến cuối một chiến dịch lớn như vậy.

Sau 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, “đại đội trưởng đầu trọc” cùng đồng đội chiếm được đồi Độc Lập, đánh chiếm toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Với chiến thắng này, quân Pháp phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Đi từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Lê Nam Phong từ Tây Bắc trở về tiếp quản Thủ đô. Tuy nhiên, do chiến trường miền Nam đang ác liệt, năm 1964, “đại đội trưởng đầu trọc” lại lên đường vào Nam. Với tinh thần chiến đấu quả cảm và tài trí mưu lược ông trở thành Trung đoàn trưởng trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 9 (Bộ Tư lệnh Miền) và tham gia những trận đánh ác liệt như Bàu Bàng, Bông Trang Nhà Đỏ...

Nhưng có lẽ đối với Trung tướng Lê Nam Phong, chiến dịch Nguyễn Huệ làm ông nhớ hơn cả. Đơn vị do ông chỉ huy đã lập nên “bức tường thép” Tàu Ô - Xóm Ruộng, khiến Mỹ - ngụy phải khiếp sợ. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, ông trở thành Tư lệnh Sư đoàn 7 (thuộc Quân đoàn 4) trực tiếp chỉ huy đánh chiếm giải phóng thị xã Xuân Lộc (nay là thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), phá tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc mở cửa cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, nơi đế quốc Mỹ xác định: Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.

Trên đà chiến thắng, đơn vị của ông đã tiến về hướng Sài Gòn giải phóng Biên Hòa. 12h trưa ngày 30/4/1975, đơn vị của ông đã có mặt ở dinh Độc Lập giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Trung tướng Lê Nam Phong tiếp tục tham gia chỉ huy trận đánh biên giới Tây Nam trước nạn diệt chủng của Khơ me đỏ rồi sau đó tiến ra Tây Bắc tham gia trận đánh bảo vệ biên giới toàn vệ lãnh thổ.

Vị tướng chậm chân 30 phút

Về thời điểm trước khi tiến công vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năm 2020, Trung tướng Lê Nam phong đã có dịp kể cho bạn đọc báo Nhà báo & Công luận về khoảng khắc của chính mình qua bài viết "Vị tướng chậm chân 30 phút".

Theo đó, rạng sáng 21/4, lực lượng còn lại của quân đội Sài Gòn tháo chạy, Xuân Lộc được giải phóng, tạo đà cho đại quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Trung tướng Lê Nam Phong (bìa trái) nhận quân kỳ quyết thắng trước Chiến dịch Xuân Lộc.

Ngay sau khi mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc, đơn vị của Trung tướng Lê Nam Phong lại nhận lệnh tổ chức lực lượng thọc sâu vào nội đô Sài Gòn với nhiệm vụ đánh chiếm quận 1, Đài Phát thanh ngụy, Nha cảnh sát và Dinh Độc Lập.

“Trước khi Tổng tiến công Sài Gòn, đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó tư lệnh giao nhiệm vụ và trao cho tôi một lá cờ, đơn vị nào vào nội đô Sài Gòn trước sẽ có nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập để thông báo cho toàn thể mọi người biết quân ta đã giải phóng Sài Gòn. Vì vậy, 5 cánh quân của ta từ 5 hướng khác nhau đã thần tốc tiến vào Sài Gòn làm nhiệm vụ cao cả trên”, Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại.

Thế nhưng, trên đường thần tốc tiến vào Sài Gòn, cánh quân của Trung tướng Lê Nam Phong đã bị chững lại do quân đội Mỹ ngụy ngoan cố nấp trong các nhà cao tầng bắn tỉa vào đoàn quân. Khi đến cầu Ghềnh vì cầu quá hẹp và yếu, xe tăng không lọt qua được, tướng Phong nhanh chóng ra lệnh bỏ đường Biên Hòa - Thủ Đức, quay ra đường số 1.

Tướng Phong ngồi trên xe bọc thép tiến về nội đô, trong khi đường ùn tắc bởi biển người tràn ra hò reo, chào đón. Nhận thấy bị chậm thời gian, không kịp cắm cờ chiến thắng lên dinh Độc Lập, người chỉ huy Sư đoàn 7 đã nghĩ ra một sáng kiến. “Tôi giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị cho Phó chính ủy Nguyễn Văn Thái rồi cầm cờ nhảy khỏi xe bọc thép, gọi một chiến sĩ lái xe Honda 90 chở thẳng vào thành phố”, ông kể lại.

Đến cầu Thị Nghè ông nhận được tin Quân đoàn 2 đã cắm cờ trên Dinh Độc Lập vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975 lịch sử. “Có mặt tại Dinh Dộc Lập đúng 12 giờ, nhìn dòng người reo hò, ôm lấy nhau mừng chiến thắng, tôi không nói được thành lời. Lúc đó chỉ nghĩ những ngày chiến đấu gian khổ của toàn dân, toàn quân ta đã được đền đáp. Từ đây, đất nước mình sẽ có thống nhất, có hòa bình”, ông chậm rãi cho biết.

Hoàng Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-tuong-le-nam-phong-vi-tuong-cua-nhung-tran-danh-lon-da-ve-voi-dat-me-post187290.html