Trung tướng Vương Thừa Vũ - người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội - Bài 2: Ngày về trong chiến thắng (tiếp theo và hết)

Phát huy truyền thống 'trận đầu phải thắng' của Đại đoàn Quân Tiên Phong 308, từ sau Chiến dịch Biên giới, đồng chí Vương Thừa Vũ đã cùng với đơn vị liên tiếp được lựa chọn tham gia những trận đánh, chiến dịch quan trọng và đều lập nhiều chiến công.

Quân lệnh như sơn

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại đoàn 308 ban đầu được giao nhiệm vụ đánh thọc sâu vào trung tâm Mường Thanh - nơi đặt Sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương thức tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” thì Đại đoàn 308 được lệnh cấp tốc tiến quân về hướng Luông Pha Băng (Luang Prabang) nhằm đánh lạc hướng phán đoán của địch, thu hút không quân của chúng, tạo điều kiện cho quân ta kéo pháo ra và xúc tiến mọi việc chuẩn bị để thực hiện đánh chắc thắng.

Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi lúc này, do chuyển hướng chiến dịch nên chiến trường chưa được chuẩn bị, tình hình địch cụ thể chưa rõ, khó nhất là không có bảo đảm hậu cần.

 Cắm cờ giải phóng trên nóc hầm De Castries tại Điện Biên Phủ, chiều 7-5-1954. Ảnh tư liệu

Cắm cờ giải phóng trên nóc hầm De Castries tại Điện Biên Phủ, chiều 7-5-1954. Ảnh tư liệu

Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ hiểu nhiệm vụ thay đổi đột ngột, nhất định phải có một sự thay đổi ở tầm chiến lược. Dù chưa được biết rõ ý đồ của trên, nhưng ông đã nhanh chóng hội ý Thường vụ Đảng ủy Đại đoàn và hạ quyết tâm đúng 4 giờ chiều ngày hôm ấy xuất phát. Toàn Đại đoàn 308 chia làm hai cánh quân lập tức lên đường, vừa đi vừa tiến hành công tác chính trị giải quyết tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Với sự thống nhất, quyết tâm cao, Đại đoàn 308 đã tiến quân thần tốc, gặp địch là đánh, tự giải quyết hậu cần. Sau 10 ngày đơn vị đã giải phóng toàn bộ lưu vực sông Nậm Hu, tiến sát đến Luông Pha Băng. Khi được lệnh quay về, họ lại tuyệt đối chấp hành, thần tốc trở lại, kịp tham gia đợt đầu cuộc đại tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Về sự kiện này, sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhiều lần khẳng định, đồng chí Vương Thừa Vũ là một điển hình “quân lệnh như sơn”, một yêu cầu cao về tính kỷ luật tuyệt đối, cần thiết để xây dựng quân đội cách mạng tiến lên chính quy, hiện đại. Đại tướng viết trong hồi ký: Nhận lệnh, anh Vương Thừa Vũ không ngại ngần, chỉ xin chỉ thị về quy mô sử dụng lực lượng. Tôi nói: “Toàn quyền quyết định, từ một tiểu đoàn đến cả đại đoàn. Hậu cần tự giải quyết. Đúng 16 giờ chiều xuất phát”. Lúc ra lệnh là 14 giờ 30 phút. Tôi còn nhớ tiếng nói rắn rỏi của anh Vũ trong điện thoại: “Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh”.

Ngày về trong chiến thắng

Ngày 10-10-1954 đối với cả nước là ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội. Đối với Đại đoàn 308 và cá nhân đồng chí Vương Thừa Vũ, đó còn là ngày về mang nhiều ý nghĩa trọng đại khác. Trong đội hình của Đại đoàn 308 có Trung đoàn Thủ đô, được “khai sinh” trong cuộc chiến đấu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” tại Hà Nội suốt 60 ngày đêm khói lửa mùa đông năm 1946. Đồng chí Vương Thừa Vũ là một người con của Hà Nội, là chỉ huy mặt trận Hà Nội những ngày đầu kháng chiến. Khi thực hiện cuộc rút quân thần kỳ bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài, các chiến sĩ Thủ đô và chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ ra đi với lời hẹn ngày trở về không xa. Trải 9 năm kháng chiến trường kỳ, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, cuối cùng ngày đó đã tới sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đại đoàn 308 tiến về tiếp quản Thủ đô, tháng 10-1954. Ảnh tư liệu

Đại đoàn 308 tiến về tiếp quản Thủ đô, tháng 10-1954. Ảnh tư liệu

Đây là một cuộc trở về “độc nhất vô nhị”, khi mà ta không đánh vào Thủ đô mà giải phóng được Thủ đô, đó là một thành tựu kỳ diệu của sự chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vậy, cuộc tiến quân vào giải phóng Thủ đô của Đại đoàn 308 là một cuộc tiếp quản tưng bừng “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”. Hôm ấy, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ với cương vị Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội đứng trên chiếc xe com-măng-ca mui trần, giơ tay chào đồng bào. Sau ông là bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố. Quân và dân gặp nhau như những người thân lâu ngày gặp lại. Trong hồi ký Trưởng thành trong chiến đấu xuất bản năm 1985, Trung tướng Vương Thừa Vũ kể lại: “Hôm nay Hà Nội là rừng cờ hoa. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô. Nhất là các cán bộ; chiến sĩ năm xưa đã chiến đấu trên mảnh đất này khi được lệnh ra đi đã hứa với Hà Nội sẽ trở về: “Ra đi hẹn một ngày về, Ba Đình còn đó, người thề còn đây”. Lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật!”.

Thiếu nữ Hà Nội chào đón Thiếu tướng Vương Thừa Vũ dẫn đầu Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh tư liệu

Thiếu nữ Hà Nội chào đón Thiếu tướng Vương Thừa Vũ dẫn đầu Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh tư liệu

Buổi chiều hôm đó, tại sân Cột Cờ Hà Nội, đồng chí Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng đứng chủ lễ chào cờ. Cùng với Đại đoàn 308, họ đã vinh dự thay mặt cho quân và dân cả nước chào lá cờ chiến thắng của Tổ quốc bay trên đỉnh cột cờ của Thủ đô trong ngày đầu giải phóng.

Với tài năng của mình, ông được cấp trên giao giữ nhiều trọng trách trong quân đội: Năm 1946 - Chỉ huy trưởng bộ đội Hà Nội; Khu trưởng Khu 11 (Hà Nội); chỉ huy quân sự Khu 2 bảo vệ Hà Nội; 1947 - 1948 - Khu phó Khu 4 rồi Phân khu trưởng Phân khu Bình - Trị - Thiên.

Tháng 4-1949, ông được giao nhiệm vụ tổ chức Đại đoàn 308 ở Việt Bắc; năm 1949 – 1954, ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 308, kiêm Chính ủy Đại đoàn 1949 - 1951.

Từ năm 1949 đến 1954, ông đã tham gia chỉ huy chiến đấu nhiều chiến dịch, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

Ngày 28-9-1954, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội cùng Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô; từ năm 1955 - 1963, ông là Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, rồi làm Tư lệnh Quân khu 3.

Từ năm 1964-1980, ông được giao giữ chức Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Quân chính, kiêm Tư lệnh Quân khu 4 (1964 -1971). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974.

SONG THANH - BẢO LINH

Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-vuong-thua-vu-nguoi-con-uu-tu-cua-thu-do-ha-noi-bai-2-ngay-ve-trong-chien-thang-tiep-theo-va-het-745255