Trúng tuyển công chức sẽ được xếp lương ứng với vị trí việc làm, không phải tập sự

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định, người trúng tuyển vào công chức sẽ được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm và không phải thực hiện chế độ tập sự.

Quốc hội sáng nay nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) với nhiều điểm mới liên quan đến công tác quản lý, tuyển dụng, đánh giá cán bộ, công chức.

Người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm

Trình bày tờ trình dự thảo luật, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, một trong những nội dung sửa đổi lớn nhất lần này là bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã.

Cùng với đó, dự thảo luật đưa ra những quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính của địa phương.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Dự thảo cũng quy định về chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, dự thảo đề xuất việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp vào ngạch công chức tương ứng.

Công tác tuyển dụng công chức được dự kiến theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm. Sau khi trúng tuyển, người được tuyển chọn được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.

Về các phương thức tuyển dụng, cơ quan tuyển dụng công chức có thể linh hoạt, sử dụng cả hình thức thi tuyển, xét tuyển truyền thống lẫn hình thức tiếp nhận đối với những người có tài năng, kinh nghiệm từ khu vực ngoài công lập, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước…

Ngoài ra, cơ quan tuyển dụng có thể ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức.

Để nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức, dự thảo đưa quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhiệm thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính.

Dự thảo cũng đề xuất xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.

Đề xuất lấy kê khai tài sản, thu nhập làm tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức

Trình bày báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (Ủy ban) tán thành việc sửa đổi toàn diện luật với các lý do được nêu tại tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban đánh giá việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh tại thời điểm hiện nay đã đủ độ "chín", và là yêu cầu cấp thiết để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại biểu sáng nay nghe các tờ trình dự thảo Luật Cán bộ, công chức, Luật Chính quyền địa phương, Luật Việc làm. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu sáng nay nghe các tờ trình dự thảo Luật Cán bộ, công chức, Luật Chính quyền địa phương, Luật Việc làm. Ảnh: Quốc hội

Về nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức, dự luật tiếp tục quy định một trong những nguyên tắc là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”.

Về cơ bản, Ủy ban tán thành với các nội dung trên. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc tiếp tục duy trì nguyên tắc nêu trên chưa thực sự có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu “đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị”.

Do đó, các ý kiến này đề nghị sửa đổi nguyên tắc trên và các quy định có liên quan theo hướng quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

Việc sửa đổi theo hướng này sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định khung tiêu chí xác định “người có tài năng” thông qua một số yếu tố như thành tích trong quá trình học tập, công tác hoặc những đóng góp, cống hiến cho ngành…, để tránh việc áp dụng không thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương.

Về đánh giá công chức, Ủy ban cơ bản tán thành quy định này của dự thảo luật sửa đổi.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhận thấy tại Kết luận số 105 năm 2024, Bộ Chính trị yêu cầu “đưa việc kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu”. Do đó, Ủy ban đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu có quy định phù hợp để thể chế hóa nội dung này.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng mục đích đánh giá công chức “để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận” là nội dung mới. Do đó, Chính phủ được đề nghị trong quá trình tổ chức thực hiện cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, minh bạch, định lượng được.

Một số ý kiến nhận định nội dung đánh giá cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý là khác nhau. Vì vậy, để bảo đảm công bằng, tránh áp dụng máy móc, Chính phủ được đề nghị nghiên cứu xây dựng cơ chế xử lý phù hợp khi không hoàn thành nhiệm vụ đối với 2 nhóm công chức nêu trên.

Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) gồm 7 chương, 52 điều (giảm 35 điều so với luật hiện hành) dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trung-tuyen-cong-chuc-se-duoc-xep-luong-tuong-ung-vi-tri-viec-lam-khong-tap-su-2398487.html